Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định được một nơi nằm dưới sự thống trị của cá mập và là thiên đường nhiệt đới tự do của chúng.
Theo trang Discovery, nơi xứng đáng trở thành thiên đường của cá mập là vịnh Cleveland tọa lạc trong Công viên hải dương rạn san hô Great Barrier ở bờ biển đông bắc bang Queensland, Australia. Đây là nhà của vô số loài cá mập khác nhau, trong đó bao gồm cả loài cá mập mắt lợn (tên khoa học là Carcharhinus amboinensis) và loài cá mập đuôi đốm (Carcharhinus sorrah).
Danielle Knip - người đứng đầu nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố trên số phát hành tháng 8 tới của tạp chí Fisheries Research - cho hay, cá mập ở vịnh Cleveland có cuộc sống tự do, tự tại nhờ sự thành công của 2 khu vực Công viên bảo tồn lớn được thiết lập trong vùng.
“Những khu vực này thuộc mạng lưới các khu vực bảo vệ biển, bên trong Công viên hải dương rạn san hô Great Barrier và ngăn cấm các hoạt động đánh bắt cá mang tính thương mại. Do đó, sự che chở, chống lại áp lực của nghề cá dường như đóng một vai trò lớn trong việc tạo ra tỉ lệ tử vong thấp của các loài sống trong khu vực này”, bà Knip - chuyên gia tới từ Trung tâm nghiên cứu nghề cá và ngư nghiệp thuộc Đại học James Cook nhấn mạnh.
Bà Knip nói thêm rằng, các khu vực bảo tồn cũng giúp đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cá mập sinh trưởng trong vịnh Cleveland.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, các loài cá mập có thể cùng chung sống ở vịnh Cleveland vì chúng sử dụng những vùng nước khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không phải cạnh tranh với nhau về nguồn thức ăn, mặc dù các loài cá mập nhỏ vẫn có thể trở thành con mồi của những loài cá mập lớn hơn.