Theo đó, hóa thạch vừa lộ diện là loài động vật có vú cổ xưa mang tên Megaconus mammaliaformis. Các nhà khoa học cho biết, đây là một trong những hóa thạch được bảo vệ tốt nhất của Mammaliaform, nhóm sở hữu thân mình dài và có khá nhiều điểm tương đồng với động vật có vú ngày nay.
Người ta tin rằng, Megaconus tồn tại cùng loài khủng long có lông vũ khoảng 165 triệu năm trong kỷ Jura, tức gần 100 triệu năm trước khi loài khủng long T-rex thống trị trái đất. Giáo sư Zhe-Xi Luo của Đại học Chicago, Mỹ cho biết: “Đây là lần đầu tiên con người có cái nhìn gần gũi nhất về loài sinh vật có thể là tổ tiên của động vật có vú hiện đại. Bằng cách dựa vào những đặc điểm nổi bật của loài Megaconus, có thể tìm ra những thay đổi quan trọng từ động vật có vú cổ đại để trở thành động vật có vú ngày nay”.
Dựa vào mẫu hóa thạch, các chuyên gia dễ dàng phát hiện loài Megaconus có lông thưa thớt xung quanh bụng. Thậm chí Megaconus còn khá giống với những loài thú có vú đẻ trứng ngày nay. Kết quả giải phẫu hóa thạch cho thấy, con vật này khá giống với thú mỏ vịt đực, giúp các nhà khoa học có thêm cơ sở để xác định giới tính sinh vật từ 165 triệu năm trước.
Bên cạnh đó, loài Megaconus còn sở hữu kích thước của một con sóc lớn, ăn tạp với bộ hàm cho phép chúng nhai từ trái cây tới côn trùng và động vật có xương sống nhỏ hơn. Tuy nhiên, loài động vật này vẫn sở hữu nhiều đặc điểm giải phẫu của bò sát.
Giáo sư Luo cho biết: “Chúng ta chưa thể khẳng định Megaconus là tổ tiên xa xưa nhất của loài người nhưng việc phát hiện ra loài động vật này là một trong những khám phá vĩ đại, làm sáng tỏ một mắt xích mà loài người chưa biết”. Hiện tại, mẫu hóa thạch loài Megaconus đang được lưu trữ tại Bảo tàng Cổ sinh vật học tại Liêu Ninh, Trung Quốc.