3 giờ vây bắt cá lạ:
Chúng tôi trở lại ấp Phú Thượng, xã Phú Thành (Phú Tân) để gặp những nông dân đương đầu với con cá lạ. Nhìn xuống dòng kênh Thần Nông, cụ Nguyễn Văn Bảy (80 tuổi) quả quyết: “Trước Tết, người dân vây bắt cá “khủng” ở khúc kênh này. Cha sanh mẹ đẻ đến nay mới thấy con kênh này có cá lạ to như vậy. Trưa hôm đó, khi nghe tụi nhỏ hô hoán có “quái vật” dưới kênh, tôi mới lọ mọ bước ra xem. Quả thật, có một con vật ngoi đầu lên ngớp, rồi lặn xuống. Sau đó, lại thấy một đường rẽ nước chạy dài giữa kênh, tôi biết là có cá to, nhưng không đoán được đó là cá dữ hay cá hiền. Trên bờ, người dân đổ ra kênh xem kẹt cứng. Như bị đánh động, con cá tiếp tục lao mình tìm lối thoát. Hàng chục thanh niên trai tráng mang chài lưới ra bủa vây bắt cá lạ…”.
Lần theo khúc kênh Thần Nông, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Ngon (54 tuổi, ấp Phú Thượng), người đã từng tham gia bắt cá lạ. Mặc dù có thâm niên trong nghề cào cá trên sông nước, nhưng khi nhớ lại chuyện vây bắt con cá lạ mà ông Ngon vẫn còn sợ. Ông kể: “Sống bằng nghề “bà cậu” hơn 25 năm, nhưng chưa từng thấy con cá nào kỳ quái như vậy. Trưa hôm đó, tôi thấy con cá lội từ sông Hậu vào kênh Hòa Bình, rồi đến ngã tư kênh Thần Nông rẽ nước ngược về hướng Phú Vĩnh (Tân Châu). Lúc đó cũng không định vây bắt, nhưng nhiều người giục tôi dùng ghe cào để bắt con cá lên xem thử. Nhìn theo luồng nước cá đi, tôi chạy ghe cào đuổi theo gần 1km mới dồn được con cá vào túi lưới. Tuy nhiên, khi tôi tắt máy phân dây lên thì con cá đâm thủng lưới chạy thoát. Lúc này, tôi tiếp tục chạy ghe theo bủa lưới. Cũng lần này, con cá tiếp tục đâm thủng một lổ thứ 2 rồi tiếp tục nhảy vọt lên mặt nước cao hơn 5m...”.
Ngay lúc đó, thấy con cá lạ có màu đỏ trên thân ông Ngon cảm thấy sợ và bỏ cuộc vây bắt để lui chiếc ghe cào trở về bến. “Từ khúc đuôi đến gần đầu cá với nhiều viền đỏ phát sáng dưới ánh nắng giống hệt vảy rồng. Còn cái đầu có nhiều hoa văn hao hao đầu con rồng. Nhiều người thấy con cá đã nói với tôi: “Làm nghề “bà cậu” đừng nên bắt cá lạ ông Ngon ơi! Khi nghe câu nói ấy, tôi quay ghe cào chạy một mạch về nhà. Nhưng khi con cá lội đến khúc kênh phía trên khoảng 1km thì bị thằng cháu tôi cùng nhiều người khác bắt dính…”.
Ông Phạm Văn Tấn là người dùng lưới bủa dính con cá cho biết: “Biết là có cá lạ, tôi chạy vào nhà xách chài ra vây bắt. Còn anh em trong xóm mỗi người xách tay lưới, ủi xiệp đứng chờ cá lên ngớp là lập tức bủa lưới. Sau 3 giờ vật lộn với “thủy quái”, tôi cùng mọi người tóm được con cá lạ”. Tuy nhiên, do không biết loài cá này có giá trị cao, nhiều người đã đem lên bờ xem làm con cá chết ngay sau đó.
Phát hiện cá lạ đã chết dài gần 2 mét:
Điều kỳ lạ hơn là cũng cùng ngày đó, một số công nhân Xí nghiệp đông lạnh Thủy sản AFIEX đóng tại xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) đã vớt được xác con cá lạ dài gần 2m, ước nặng khoảng 80kg trên sông Hậu. Anh Thành cho biết, khi gặp con cá, mọi người đều chưa biết là loại cá gì nên muốn vớt lên xem thử, rồi sau đó đào hố chôn. “Trước giờ, sống ở đây chủ yếu thấy cá hô, cá tra dầu… nặng vài chục ký chứ chưa từng gặp loại cá nào to và có vảy đỏ như vầy. Hôm đó, người dân trong xóm đến xem đông nghẹt. Thấy con cá lạ kỳ người ta cho rằng là cá linh. Khi đem chôn, họ còn mang nhang đến thắp…”.
Để biết chính xác về loài cá lạ này, chúng tôi đến gõ cửa ngành chuyên môn, thì được biết lưu vực sông Hậu kể cả sông Tiền cũng chưa từng nghe dân chài bắt dính loài cá này. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Nguyễn Hoàng Huy khẳng định, trước Tết nghe người dân đánh bắt dính cá lạ nhưng chưa thấy chuyển về Chi cục Thủy sản để giám định chính xác là loài cá gì. Nhưng qua hình ảnh thì đây có thể là loài cá hải tượng hoặc hải tượng long (tên khoa học là Arapaima) có nguồn gốc ở vùng Amazon. Cá hải tượng được xem là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Khi trưởng thành, cá có thể đạt độ dài hơn 2 mét, nhiều con đến 2,5 mét, nặng hơn 100kg đến 200kg. “Theo tài liệu của Ủy hội sông Mekong thì chưa ghi nhận được loài cá này sống ở dòng sông Mekong. Do đó, loài cá này du nhập từ nước ngoài thông qua những người nuôi cá cảnh. Trong quá trình nuôi, có thể cá bị sổng chuồng hoặc được thả về môi trường tự nhiên, rồi cá lớn dần…”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Nguyễn Hoàng Huy lý giải như vậy.