Nghiên cứu này cho phép tạo ra mô hình khí hậu chính xác hơn về sự tương tác giữa đại dương và khí quyển, nhờ đó dự đoán chính xác hơn các cơn bão và sóng thần.
Các nhà khoa học của Viện Hải dương học Mátxcơva thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết họ đã thu thập được nhiều dữ liệu về các dòng chảy hỗn loạn ở Bắc Đại Tây Dương trong 100 năm qua, đủ để giúp cho các nhà khoa học đưa ra câu trả lời chính xác về nguyên nhân tại sao nước đại dương đột nhiên lạnh. Trước đây, giải đáp này chỉ dựa trên số liệu thống kê trong thời gian tối đa 40 năm.
Với chu kỳ biến đổi nhiệt độ nước 50-70 năm là cao nhất ở vùng Bắc Đại Tây Dương, người đứng đầu phòng thí nghiệm của Viện Hải dương học, ông Sergei Gulev cho rằng trong nhiều mô hình, tính biến đổi nhiệt độ có liên quan đến các hiện tượng toàn cầu như sự hình thành các cơn bão nhiệt đới hoặc mưa lớn ở châu Âu và Bắc Phi.
Từ yếu tố này, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân của sự tương phản nhiệt độ, tức là các dòng nhiệt chảy hỗn loạn trên bề mặt đại dương - tương tác giữa nước biển và khí quyển.
Sự cân bằng nhiệt trên đại dương bao gồm hai nguồn là ánh sáng Mặt Trời và những luồng nhiệt hỗn loạn làm di chuyển lượng nước lớn. Tác động của ánh sáng Mặt Trời hầu như không thay đổi, có nghĩa là, các dòng nhiệt chảy hỗn loạn chịu trách nhiệm về những thay đổi nhiệt độ.
Theo các lý thuyết trên, các nhà khoa học xác nhận giả thuyết hải dương học là từ 10 năm trở lên - sự gia tăng dòng nhiệt nhất định dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ nước; thời gian ngắn hơn 10 năm, nhiệt độ nước ngược lại giảm xuống.
Ông Sergei Gulev giải thích xét về quy mô lớn, vai trò quan trọng nhất của nhiệt độ nước thuộc về đại dương - đó là thành phần khí hậu ảnh hưởng chậm; yếu tố ngắn hạn là không khí - thành phần khí hậu ảnh hưởng nhanh chóng. Xét về tổng thể, đại dương quyết định các dòng hải lưu, có nghĩa là quyết định cả lượng nhiệt và độ ẩm của không khí và đất./.