NHỮNG LỄ HỘI TIÊU BIỂU
Trong chiều dài lịch sử 400 năm, Phú Yên là “chứng nhân” của nhiều sự kiện lịch sử bi hùng trên bước đường mở nước, dựng nuớc, giữ nước của dân tộc. Những sự kiện lịch sử ấy đã thổi hồn vào lễ hội.
Các lễ hội như: Lễ hội Sông nước Tam Giang (TX Sông Cầu) gắn với chiến công đầu tiên của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ; Lễ hội Đua thuyền sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa) vừa tôn vinh vóc dáng đại giang của con sông lớn nhất miền Trung, vừa lưu giữ nét đẹp một thời trên bến dưới thuyền của từng đoàn ghe bầu Phú Yên dọc ngang buôn bán khắp nước; Lễ hội Đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan (Tuy An) mang nét đặc trưng của văn hóa dân gian vùng duyên hải Nam Trung bộ của người Việt vừa mới ổn định vào khoảng 300 đến 400 năm trở lại đây, ngư dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Các lễ hội tế cá Ông (cá Voi) trải dài từ Hòn Nần, ven biển Sông Cầu đến Vũng Rô là khát vọng của ngư dân vươn ra đại dương cầu mong bình an ở vùng biển đầy bão tố. Lễ hội này có nét chung với các vùng Nam Trung bộ nhưng cũng có nét riêng của Phú Yên trong các trường đoạn cung nghinh và đặc biệt là phần hội tưng bừng sau phần lễ, nơi cộng đồng thoải mái giao lưu để bày tỏ khát vọng và ước vọng cuộc sống.
Lễ hội cầu ngư là hiện tượng văn hóa độc đáo và giàu bản sắc ở các miền biển của tỉnh Phú Yên, tất cả các làng chài ven biển đều có các lăng thờ cá Voi. Chỉ 4 huyện miền biển ở Phú Yên đã có gần 50 lăng thờ cá Ông. Việc tổ chức lễ hội cầu ngư là việc “đại sự” của cư dân biển Phú Yên. Bởi vậy, nó được chuẩn bị và tiến hành hết sức cẩn thận, chu đáo.
Qua lễ hội cư dân miền biển thể hiện lối ứng xử đầy tính nhân văn giữa con người với thần linh, gắn kết tình yêu cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm, thời tiết, hải trình trên biển, thể hiện bản sắc văn hóa biển đầy sinh động, gần gũi, rộn ràng và sâu lắng với đời thường của ngư dân.
Lễ hội sông nước ở Phú Yên hiện nay có nét riêng là được tổ chức hầu như đều khắp ở các địa phương trong toàn tỉnh vào dịp đầu xuân. Các lễ hội sông nước Đà Rằng, Tam Giang cũng như các lễ hội đua thuyền ở Đầm Ô Loan, Tam Giang, Đà Rằng, Đà Nông, Sông Hinh, Sơn Hòa đều phản ảnh đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân vùng sông nuớc diễn ra hết sức phong phú, đa dạng.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỄ HỘI
Trải qua tiến trình lịch sử dân tộc, lễ hội có sự thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, nhưng phần lớn vẫn giữ lại nét truyền thống của thuở ban đầu mới hình thành. Lễ hội đua thuyền phản ảnh nét đặc sắc văn hóa tâm linh còn bám chặt trong cộng đồng ngư dân vốn xưa nay làm nghề sông nước đối mặt với những hiểm nguy đe dọa.
Đặc trưng chung nhất của các lễ hội bao giờ cũng gắn chặt với phần văn hóa tâm linh của cộng đồng. Các nghi thức gắn với tôn giáo thần linh, phần hội luôn gắn với các tinh túy nhạc cụ và đạo cổ truyền của từng tộc người. Đặc biệt các văn hóa lễ hội sông nước thể hiện đậm nét giao thoa văn hóa Việt - Chăm.
Hoạt động lễ hội miền biển và sông nước Phú Yên trong thời gian qua có những bước chuyển biến mới. Công tác hướng dẫn, quản lý của chính quyền trong hoạt động lễ hội dần dần đi vào nề nếp; vai trò, ý thức trách nhiệm của người sáng tạo, hưởng thụ văn hóa ngày càng được thể hiện rõ nét; các giá trị, sản phẩm văn hóa được thể hiện qua một số hoạt động trong lễ hội có sự chuyển biến tích cực; lễ hội được thể hiện khá phong phú, đa dạng về cách tổ chức, thành phần tham gia và hoạt động; giữ được những nghi thức truyền thống; được tổ chức mang tính nghệ thuật, tính cộng đồng và tính thẩm mỹ cao hơn.
Việc tổ chức và duy trì lễ hội đua thuyền nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc tại các địa phương trong tỉnh những năm gần đây thể hiện sự tích cực của chính quyền cơ sở trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Do đó, việc phát huy những cái đẹp, điểm mạnh từ lễ hội miền biển và sông nước ở Phú Yên để tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ cho hoạt động du lịch, hay nói cách khác tăng cường sự đầu tư, kết hợp giữa lễ hội và các địa danh, các điểm du lịch hiện có nhằm khai thác các giá trị lễ hội, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách đến du lịch văn hóa là một định hướng mới cho ngành du lịch Phú Yên.
Trong thời gian đến, với lợi thế sẵn có của mình, chúng tôi hy vọng du lịch Phú Yên sẽ phát triển mạnh mẽ khi được kết hợp tổ chức các lễ hội nói chung, lễ hội miền biển và sông nước nói riêng gắn với hoạt động du lịch văn hóa. Hiện nay, các lễ hội được tổ chức ngày càng chất lượng hơn, thu hút được nhiều đối tượng tham gia hơn và góp phần duy trì và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương.