Theo ông Nguyễn Duy Kiếm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá tỉnh Bắc Ninh, ba ba là loài vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, có chất lượng thịt thơm, ngon, rất được thị trường ưa chuộng với giá bán khoảng 500 nghìn đồng/kg. Toàn tỉnh hiện có gần 50 trang trại nuôi ba ba, trong đó một số hộ đã làm chủ được kỹ thuật nhân giống, qua đó tạo thuận lợi, giảm chi phí đầu tư sản xuất và mở ra hướng đi hiệu quả cho bà con nông dân, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu vật nuôi.
Với phương thức hộ nuôi ba ba trước hỗ trợ, giúp đỡ cho người nuôi sau về giống, vốn và kiến thức kinh nghiệm, nhiều hộ trước đây chuyên nuôi các vật nuôi truyền thống đã chuyển hướng chọn mô hình nuôi ba ba gai để phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Tài Chiến ở thôn Giang Liễu (xã Phương Liễu, Quế Võ), một trong những hộ nuôi ba ba với số lượng lớn chia sẻ: Sau khi tham gia một số lớp tập huấn và được sự tư vấn, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Chi cục Thủy sản, Hội Nghề cá... gia đình tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống bể nuôi ba ba. Với tổng diện tích trang trại hơn 5.000m2, diện tích mặt nước khoảng 3.000m2, gia đình tôi nuôi hai loại ba ba gai, ba ba trơn và một số loại cá truyền thống. Thực tế cho thấy, ba ba chăm sóc phòng bệnh đúng cách sẽ có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Trong quá trình nuôi tránh để nước ao bẩn, hạn chế đánh bắt làm ba ba hoảng sợ. Đồng thời cần thực hiện tốt nguyên tắc phòng bệnh cho ba ba như cải tạo ao đúng kỹ thuật trước khi thả, chọn mua giống nơi uy tín, thả nuôi đúng mật độ, cho ăn đủ lượng và đủ chất, chú ý rửa sạch thức ăn trước khi cho ba ba ăn; thường xuyên theo dõi và kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý khi ba ba xuất hiện triệu chứng bệnh...
Tại các huyện Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài, từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay ba ba thương phẩm đã trở thành mô hình nổi bật trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Để giúp nhau phát triển kinh tế, các hộ trong quá trình chăn nuôi còn thành lập các tổ, nhóm, trao đổi, chia sẻ cách phòng tránh bệnh và kiến thức chăn nuôi ba ba hiệu quả cao, cùng liên kết đặt thức ăn, con giống từ một số địa chỉ tin cậy để bảo đảm cho ba ba phát triển tốt. Anh Phan Duy Phượng ở thôn Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm, Gia Bình) chia sẻ: “Năm 2012, qua nghiên cứu sách báo và nhiều nguồn khác, gia đình tôi đầu tư xây dựng ao chuồng với diện tích mặt nước 4 sào nuôi hơn 1.000 con ba ba. Tuy vốn đầu tư khá cao nhưng ba ba là loài thủy sản nhẹ công chăm sóc, dễ nuôi nếu tuân thủ đúng kỹ thuật. Quan trọng nhất là từ tháng nuôi thứ 10 đến tháng thứ 12 phải tiến hành phân đàn, tách riêng con đực - cái, làm tốt khâu này sẽ hạn chế hao hụt và hiệu quả kinh tế mang lại cao”. Sau 36 tháng nuôi, đàn ba ba gai của gia đình anh Phượng phát triển tốt và đạt trọng lượng xấp xỉ 3kg. Gia đình anh đã xuất bán đợt đầu với giá 500 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 100 triệu đồng/sào. Không chỉ ăn nên làm ra từ mô hình nuôi ba ba, anh Phượng còn nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ba ba cho nhiều người dân trong và ngoài địa phương.
Biết tìm những loại vật nuôi để phát triển và khẳng định chất lượng đã giúp nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá tỉnh Nguyễn Duy Kiếm thì vẫn còn một bộ phận người dân chưa có nhận thức đầy đủ về nuôi con đặc sản, khi thấy con vật nào đang thịnh hành, được giá là nuôi mà không tính đến đầu ra. Để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình nuôi ba ba thương phẩm, trong thời gian tới các đơn vị chức năng khuyến cáo người dân không nên nuôi tự phát; hướng tới thành lập các tổ hợp tác tạo sự liên kết và khép kín từ khâu nuôi đến khi xuất bán nhằm tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao KHKT, tranh thủ các dự án, xây dựng những mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng; kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế, môi trường, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững.