Liên kết doanh nghiệp thủy sản và người nuôi trồng:
Một trong những mô hình liên kết sản xuất thủy sản hiệu quả là sự liên kết giữa doanh nghiệp Cty Thủy sản Lenger Việt Nam (CCN An Xá - TP Nam Định) và người sản xuất. Kết quả mang lại công ty đã có những chuyến ngao đông lạnh đầu tiên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, một thị trường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Để có được những kết quả trên, Cty và người nuôi thủy sản thực hiện mô hình quản lý đồng bộ, nghiêm ngặt theo chuỗi từ khu vực nuôi, người nuôi đến quy trình thu hoạch, vận chuyển và xử lý ngao nguyên liệu trong nhà máy. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư đầy đủ hệ thống trang thiết bị hiện đại; đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật của Cty đều được đào tạo chuyên ngành để nắm vững kỹ thuật, yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định trong quá trình sản xuất. Để đáp ứng tiêu chí chất lượng cho sản phẩm, Cty phải liên kết thu mua ngao nguyên liệu từ các vùng nuôi đã được kiểm dịch và công nhận là vùng nuôi an toàn thuộc địa bàn các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Cty ký hợp đồng với người nuôi, trong đó cam kết bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các hộ nuôi ngao nguyên liệu trong chuỗi liên kết phải tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong quá trình nuôi, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm ngao
Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản:
Một số mô hình tiêu biểu như tổ hợp tác nuôi thủy sản xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường), Hiệp hội nuôi cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng…
Phần lớn các HTX, tổ hợp tác đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất đầu vào như cung cấp vật tư, nguyên liệu thức ăn thủy sản và lo đầu ra sản phẩm cho các thành viên… Bên cạnh đó, các hội viên trong HTX, tổ hợp tác còn được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất thủy sản theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. HTX, tổ hợp tác cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với các hộ nuôi thủy sản, đại diện cho các hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong HTX. Nhờ đó kinh tế của hộ dân phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, trong ngành nuôi thủy sản tỉnh, cá bống bớp là một trong những đối tượng nuôi có sản lượng và giá trị cao. Các vùng nuôi điển hình với sản lượng lớn tại các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông… (Nghĩa Hưng). Chính vì sản lượng lớn nên người nuôi cần phải có những biện pháp nuôi bền vững. Bởi vậy các hộ nuôi đã liên kết với nhau thành lập Hiệp hội nuôi cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng thống nhất áp dụng phương thức sản xuất an toàn theo hướng VietGap từ sản xuất giống, nuôi, thu mua, tiêu thụ. Hiệp hội cá bống bớp hoạt động trên nguyên tắc liên kết các hộ nông dân, các trại sản xuất hợp tác với nhau tăng sức mạnh, trao đổi kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch sản xuất, phương án, biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả… Các thành viên trong Hiệp hội phải tuân thủ kỹ thuật, quy định của Hiệp hội đưa ra. Hiệp hội có trách nhiệm nắm bắt tình hình thị trường, hỗ trợ các thành viên dịch vụ đầu vào là con giống chất lượng, tư vấn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho thành viên cũng như lo tiêu thụ sản phẩm. Với sự liên kết khép kính, thị trường tiêu thụ cá bống bớp ngày càng ổn định và được mở rộng, người nuôi có thể yên tâm sản xuất trong điều kiện thị trường cạnh tranh phức tạp.
Việc liên kết sản xuất giúp người nuôi chủ động hoàn toàn trong quy trình sản xuất cũng như đầu ra, tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa đa dạng tại địa phương, cơ hội để phát triển nghề nuôi bền vững, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ uy tín cho thương hiệu thủy sản của tỉnh.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy vẫn có những doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa thiết lập được quan hệ hợp tác, liên kết mật thiết với ngư dân, người nuôi thủy sản nên kênh phân phối sản phẩm này vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, phân tán và qua nhiều cấp trung gian; cả người sản xuất và doanh nghiệp chế biến phải phụ thuộc vào đại lý trung gian thu mua nguyên liệu. Các đại lý thu mua trung gian vẫn đóng vai trò quan trọng trong chu trình đưa thủy sản từ người sản xuất tới thị trường, khiến các doanh nghiệp chế biến khó kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu ban đầu. Những ngư dân, người nuôi thủy sản là người vất vả nhất để làm ra sản phẩm nhưng lại không làm chủ được thị trường, không quyết định giá cả. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy sản mới chỉ dừng lại ở công đoạn sơ chế, chính vì vậy dù số lượng thủy sản cung cấp cho thị trường là rất lớn nhưng các sản phẩm thủy sản của tỉnh ta chưa thực sự chi phối được thị trường.
Phát triển liên kết sản xuất là xu thế tất yếu của ngành thủy sản. Việc hình thành chuỗi liên kết ngoài mục tiêu giúp cân đối nguồn nguyên liệu giữa người nuôi và nhà máy chế biến, đồng thời còn hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu. Do vậy các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi thuỷ sản cần nỗ lực thúc đẩy hợp tác, liên kết.