Theo thống kê của UBND xã Văn Quán, toàn xã có khoảng 600 hồ, ao. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trước đây, người dân trong xã chủ yếu nuôi trồng thủy sản mang tính quảng canh, hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực tế đó, người chăn nuôi trong xã đã nhanh chóng tiếp cận những kiến thức mới về chăn nuôi thông qua tập huấn, các phương tiện thông tin đại chúng, chuyển hướng nuôi trồng theo phương thức thâm canh. Bên cạnh các giống cá truyền thống, người dân đưa vào nuôi trồng nhiều giống mới chất lượng cao như: Cá rô phi đơn tính, chép lai 3 máu và một số giống cá đặc sản như cá chép lớn, cá quả, cá trê....
Ngoài mô hình nuôi trồng 1 lúa :1cá, người dân xã Văn Quán còn nhanh nhạy đi đầu trong việc biến hạn chế trở thành thế mạnh của mình trong nuôi trồng thủy sản. Vốn là một xã thuần nông, lấy trồng trọt và chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chủ yếu song Văn Quán có đến gần 1/3 diện tích đất tự nhiên là đồng chiêm trũng, trong đó có 40 ha quanh năm chỉ cấy 1 vụ lúa. Đầu những năm 2000, sau khi tỉnh đưa vào triển khai mô hình 1 lúa : 1 cá, người dân trong xã đầu tư đắp bờ, khoanh vùng, vừa kết hợp cấy lúa với nuôi trồng thủy sản, biến những cánh đồng ngập nước, 1 vụ lúa không ăn chắc trở thành những cánh đồng thủy sản cho thu bạc triệu. Chia sẻ về hiệu quả của mô hình này, anh Vũ Kim Sơn, khu 2, xã Văn Quán cho biết: “Nuôi cá theo hình thức 1 lúa 1 cá có nhiều lợi thế mà nuôi trong ao khó có được đó là tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên cho cá không chỉ khiến chi phí giảm, mà cá lại nhanh lớn, chất lượng cá hơn hẳn với nuôi thả trong các ao đầm khó thoát nước”
Bằng sự nhạy bén của người dân cùng sự quan tâm của các cấp, ngành, trong những năm qua, nghề chăn nuôi thủy sản ở Văn Quán có những bước tiến đáng kể. Ông Vũ Viết Văn, Chủ tịch UBND xã Văn Quán cho biết: “Qua các năm, sản lượng thủy sản trong xã không ngừng tăng lên. Trước năm 2002, tổng sản lượng cá thu hoạch trong xã chỉ đạt khoảng 70 tấn/năm. Song đến nay, tổng sản lượng cá trung bình hàng năm đạt trên 100 tấn. Trong năm 2015, tổng sản lượng thủy sản toàn xã đạt 105 tấn, tổng giá trị đạt trên 3,6 tỷ đồng.
Không chỉ khai thác được lợi thế, khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, nghề chăn nuôi thủy sản ở Văn Quán mở ra hướng làm giàu không ít hộ gia đình trong xã. Cũng giống như bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa, anh Nguyễn Kim Sơn, thôn Sa Sơn, Văn Quán sinh ra trong một gia đình thuần nông, sớm quen với cuộc sống ruộng đồng, song thu nhập thấp. Năm 2005, sau khi có chủ trương dồn điền, đổi thửa, anh mạnh dạn đầu tư vốn liếng, đào ao, mua con giống, nuôi cá thịt với diện tích 5.600 m2. Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi thủy sản, năm 2013, anh Sơn đấu thầu thêm 3,5 ha đồng trũng, triển khai mô hình một lúa, một cá với sản lượng trung bình khoảng 12 tấn/vụ/5 tháng. Anh Sơn cho biết: “Nuôi cá bao giờ cũng hiệu quả hơn chăn nuôi lợn, gà do ít dịch bệnh hơn mà giá cả cũng không biến động như lợn gà. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được hơn 200 triệu đồng từ cá”.
Mặc dù được đánh giá là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả ở Văn Quán, giúp không ít hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tuy nhiên, chăn nuôi nuôi thủy sản nơi đây hiện nay vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Theo ông Vũ Hiền Lương, Bí thư Đảng ủy xã Văn Quán, đồng thời cũng là một trong những hộ chăn nuôi thủy sản quy mô lớn ở xã, khó khăn chủ yếu của nuôi trồng thủy sản ở Văn Quán đó là thiếu nguồn nước. Văn Quán có một lượng lớn hồ đầm và diện tích đất đồng trũng, tuy vậy, vào mùa khô, mực nước xuống thấp, diện tích mặt nước cũng theo đó mà giảm đáng kể. Do đó, chăn nuôi thủy sản ở Văn Quán vẫn còn mang tính chất mùa vụ. Cá thương phẩm chủ yếu được nuôi trong 1 vụ từ tháng 5 tới tháng 12, khi nguồn nước dồi dào. Vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5, các hộ chăn nuôi tập trung nuôi cá giống chuẩn bị nguồn con giống cho vụ cá tới. Tuy vậy, không phải hộ gia đình nào cũng có diện tích mặt nước cần thiết cho nuôi cá giống, nên dù biết nuôi cá giống, song vào vụ thả cá, vẫn có không ít hộ gia đình phải đi mua cá giống về thả. Ông Lương chia sẻ thêm: “Để chăn nuôi thủy sản được thuận lợi, phát triển, mong muốn ngành thủy lợi tạo điều kiện tăng cường nguồn nước, hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản vào mùa khô”.