Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ triển khai thực hiện mô hình Nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất với diện tích 500 m2 của hộ gia đình ông Phan Văn Cu ở thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn hộ dân có kinh nghiệm để triển khai thực hiện. Tham gia mô hình hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí về giống và các vật tư thiết thiết yếu như thức ăn, men vi sinh,… Đồng thời, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tập huấn, hướng dẫn trong suốt quá trình nuôi cho hộ tham gia mô hình và các hộ dân khác trên địa bàn xã.
Ông Cu cho hay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, tôi tiến hành thả nuôi 500 con giống cá chình bông với kích cỡ đồng đều 100 gam/con, cá khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không bị mất nhớt. Đây là loài cá sống đáy, chui rúc trong các hang đá, hốc cây, ban ngày chúng tìm nơi có ánh sáng yếu để ẩn nấp, ban đêm bơi ra kiếm mồi và di chuyển đi nơi khác.
Vì vậy để cá sinh trưởng và phát triển tốt, cần phải chọn giống thật kỹ, nguồn nước nuôi phải sạch, cho cá ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thức ăn phải tươi sống hoặc thức ăn chế biến phải đảm bảo hàm lượng đạm cao từ 45 – 50%. Sau 9 tháng thả nuôi, cá lớn nhanh, khỏe mạnh, không có dấu hệu bệnh, tỷ lệ sống cao đạt 91%, trọng lượng cá trung bình đạt 0,8 kg/con, ước tính sản lượng 364 kg/500 m2 ao nuôi.
Cá chình sau 9 tháng nuôi đạt trọng lương 0,8 kg/con. Ảnh: NTN
Kỹ sư Mai Thị Bích Hạnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: cá chình là loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định do nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ. Thời gian nuôi thương phẩm thường kéo dài (trên 1 năm), cá phải đạt trọng lượng trên 01 kg/con mới có thể xuất bán.
Vì vậy, trong thời gian tới hộ dân cần tiếp tục chăm sóc, theo dõi cho đến thời điểm cá đạt kích cỡ thương phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, hộ dân cần triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ cá trong mùa mưa bão, tránh thất thoát.
Việc áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá chình trong ao đất bước đầu đạt hiệu quả, cá sinh trưởng phát triển tốt, giá trị thương phẩm cao, tạo thêm công ăn việc làm, nhất là lao động phụ trong gia đình. Đồng thời tạo ra một phương thức nuôi mới cho người nuôi thủy sản trên địa bàn xã, góp phần phát triển ổn định, bền vững kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Duy Nguyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, cho biết: đây là mô hình khá phù hợp với các hộ dân sống quanh khu vực đầm Trà Ổ trên địa bàn xã. Mô hình bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế, có sức thuyết phục để khuyến cáo nhân rộng đến các hộ dân.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các hội đoàn thể tổ chức tập huấn, thông tin, tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, đem lại thu nhập ổn định. Qua đó góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá chình có nguy cơ ngày càng cạn kiệt trên đầm Trà Ổ./.