Theo báo cáo từ UBND xã Phú Thuận, năm 2018, UBND xã tranh thủ được nguồn hỗ trợ từ HTX tôm, cua giống Gành Hào hỗ trợ 475 hộ dân là hội viên cựu chiến binh, hộ nghèo và cận nghèo, với hơn 8 triệu con tôm giống, phân, thuốc, men vi sinh với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Dựa trên những kinh nghiệm và hạn chế rút ra được từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến từ nhiều năm trước đây, năm 2018, xã Phú Thuận áp dụng thêm nhiều kỹ thuật trong canh tác, nâng lên thành mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững.
Với kỹ thuật nuôi tôm tự nhiên, không đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trồng cỏ và rong tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên, xử lý nước bằng phân và men vi sinh, mật độ con giống được thả phù hợp với quy chuẩn, đảm bảo ít hao hụt con giống, được tập huấn kỹ thuật định kỳ hàng tháng là ưu điểm của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững đang mang lại.
Theo nhiều hộ nuôi tôm, trung bình 1 ha mặt nước thả tôm nuôi sẽ đạt 60-70 triệu đồng/năm. Năm nào thời tiết thuận lợi, năng suất cao có thể trên 100 triệu đồng.
Ông Lê Ngọc Giao, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận có gần 10 năm kinh nghiệm trong nuôi tôm quảng canh cải tiến. Với cách thức nuôi trước đây, ông Giao phải cho tôm ăn dặm, xử lý nước nhiều, con giống được thả một lượt với mật độ dày dẫn đến tỷ lệ đạt thấp. Gần đây, gia đình ông áp dụng kỹ thuật nuôi mới, nguồn nước vẫn được xử lý nhưng với mức độ thấp hơn và con giống được thả nhiều lần trong năm, đảm bảo đủ thức ăn và mau lớn.
Ông Giao cho biết: “Với 1 ha đất nuôi tôm, thu nhập lên đến 120 triệu đồng/năm. Theo cách nuôi này, tôi trồng thêm cỏ, tạo rong để làm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm”.
Ông Nguyễn Văn Hỏi, cựu chiến binh ấp Đất Sét, phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi có 1 ha đất nuôi tôm. Năm 2018, tôi được hỗ trợ 10 ngàn con tôm giống. Những lần xuống giống tiếp theo tôi tiếp tục được hỗ trợ thêm 50% giá con giống. Bên cạnh đó, tôi còn được tư vấn kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến, nhờ vậy năng suất cải thiện đáng kể”.
Thời gian qua, quy trình nuôi tôm truyền thống của bà con chưa đúng kỹ thuật, không ít hộ dân đã sử dụng chất cấm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Theo nhiều hộ dân, với kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững như hiện nay, tái tạo lại tự nhiên là chủ yếu, nguồn thức ăn cho tôm từ rong, cỏ phân huỷ nên góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Anh Lê Ngọc Nin, ấp Đất Sét, cho hay: “Mặc dù hiện nay mô hình đang phát triển thuận lợi và được nhân rộng trong người dân. Tuy nhiên, khi vào vụ tôm, bà con đồng loạt xuống giống nên đôi khi con giống cung ứng cho bà con còn hụt”.