Hội thảo đã cung cấp các thông tin cập nhật về hiện trạng và xu thế phát triển của ngành rong trên thế giới và ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất một số định hướng và giải pháp phát triển ngành rong biển của Việt Nam trong tương lai. Các đại biểu thống nhất cho rằng, ngành sản xuất rong biển trên thế giới đã phát triển rất mạnh trong thập niên vừa qua, đặc biệt ở khu vực Châu Á như: Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin,… do nhu cầu tiêu thụ của rong và sản phẩm chế biến từ rong biển ngày càng gia tăng, giá trị thương mại rong biển trên thế giới năm 2015 ước đạt 6,5 tỷ USD. Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn (gần 100 loài rong kinh tế phân bố và diện tích trồng rong tiềm năng khoảng 900.000 ha) để phát triển rong biển thành ngành sản xuất hàng hóa, chủ lực trong tương lai. Hiện nay, 07 loài rong kinh tế (Rong nho - Caulerpa lentillifera, Rong câu chỉ vàng - Gracilaria tenuistipitata, Rong câu thắt - Gracilaria firma, Rong câu cước - Gracilariopsis bailinae, Rong sụn - Kappaphycus alvarezii, Rong bắp sú - Kappaphycus striatus, Rong sụn gai - Eucheuma denticulatum) đang được trồng phổ biến ở Việt Nam. Năm 2015, diện tích trồng rong biển cả nước ước đạt 25.000 ha, tổng sản lượng rong tươi ước đạt 35.000 tấn. Phần lớn rong biển được sử dụng làm thực phẩm ăn tươi hoặc chế biến thành các sản phẩm gia tăng như: thạch, mứt,…
Để phát triển ngành rong biển ở qui mô hàng hóa, theo hướng hiện đại, các đại biểu kiến nghị Tổng cục Thủy sản xác định rõ các yếu tố kìm hãm và nguyên nhân làm cho ngành rong biển ở Việt Nam chưa phát triển để có kế hoạch hành động phù hợp để thúc đẩy ngành rong phát triển. Trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau:
- Phát triển đồng bộ các khâu sản xuất nguyên liệu và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong biển đảm bảo, hiệu quả, năng suất cao và chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường.
- Phát triển trồng 07 loài rong biển có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp đang được trồng phổ biến ở Việt Nam và xem xét nhập nội một số loài mới có giá trị kinh tế cao như: rong Ulva và rong Meristotheca papilosa.
- Phát triển các phương thức, qui mô, công nghệ trồng phù hợp với từng loài, từng vùng sinh thái. Ưu tiên phát triển các loài rong có hàm lượng agar, carrageenan, alginate cao.
- Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, các hệ thống chứng nhận. Phát triển các vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Cần xây dựng Đề án phát triển ngành rong Việt Nam đến năm 2030, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có sự tham gia của của nhà nước và người dân. Đề án cần chỉ rõ các phương thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp từng sản phẩm; khuyến khích ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt với JICA để nâng cao năng lực khoa học công nghệ, chế biến và phát triển thị trường rong biển.