Đây là lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có lợi thế gần với các thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn như Trung Quốc, Hồng Kông và là cửa ngõ quan trọng của cộng đồng kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Đây là tiền đề để kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Hiện trạng chung nuôi trồng thủy sản và nghề nuôi lồng bè
Theo số liệu năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 20.645 ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản mặn lợ là 17.459 ha; nuôi thủy sản nước ngọt là 3.100 ha và trên 9.600 ô lồng nuôi. Về sản lượng, tổng sản lượng nuôi ước đạt 54.245 tấn. Trong đó thủy sản nuôi mặn lợ đạt 43.738 tấn, nuôi nước ngọt đạt 10.507 tấn với đối tượng nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá biển (song, vược, giò...), nhuyễn thể (hàu, ngao, tu hài...), cua, cá nước ngọt truyền thống.
Riêng với nghề nuôi cá lồng bè trên biển, các địa phương có nghề nuôi cá lồng bè lớn trong tỉnh gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Về kết cấu công trình nuôi, phổ biến là ô lồng có kích thước 3m x 3m x 3m liên kết lại thành hệ thống bè nuôi, mỗi bè trung bình được liên kết lại từ 4 – 8 ô lồng; vật liệu làm lồng thường là gỗ, tre; vật liệu nổi thường sử dụng phao xốp, một số cơ sở sử dụng phao làm từ phi nhựa loại 200 lít. Lưới làm lồng nuôi thường là loại lưới không gút của Nhật hoặc liên doanh. Đã có một số cơ sở sử dụng vật liệu ống nhựa HDPE hoặc khung lồng bằng ống kẽm kết hợp phao phi để làm lồng nuôi cá. Qua đánh giá cho thấy, đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, độ bền cao, khả năng chống chịu với điều kiện sóng gió khá tốt. Tuy nhiên, do giá thành đầu tư ban đầu khá cao nên sức lan tỏa chưa lớn. Về mật độ thả nuôi, thường giai đoạn nhỏ thả với mật độ trên 20 con/m3 và san thưa dần. Thức ăn chủ yếu sử dụng cá tạp là chính, việc sử dụng thức ăn công nghiệp còn hạn chế (thường sử dụng cho giai đoạn cá nuôi còn nhỏ) do giá thành và chi phí vận chuyển khá cao. Thời gian nuôi tính cho tất cả các loài cá nuôi mặn lợ trung bình từ 1,5 - 2 năm. Kích cỡ thu hoạch trung bình (tính cho tất cả các loài cá) khoảng 1 kg/con. Tuy nhiên, hạn chế của nghề nuôi cá lồng bè trên biển Quảng Ninh đó là hàm lượng ứng dụng công nghệ phụ trợ còn thấp, chi phí vận hành hệ thống lồng bè nuôi còn cao… dẫn đến giảm lợi nhuận của nghề này.
Định hướng phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, ngày 06/5/2014, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2016. Theo đó ngoài phát triển vùng nuôi nhuyễn thể tập trung ở huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên, Tiên Yên, Móng Cái với các đối tượng ngao, tu hài, hàu, sò huyết, hà sú...còn tập trung phát triển nuôi cá mặn, lợ và cá lồng bè. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 nuôi cá lồng bè đạt 10.280 ô lồng, sản lượng đạt 5.000 tấn; đến năm 2030 đạt 11.800 ô lồng, sản lượng đạt 7.420 tấn. Phát triển nuôi lồng, bè tại các địa phương Vân Đồn, Đầm Hà, Cẩm Phả, Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà, Cô Tô, Hạ Long. Tỉnh cũng rà soát, xây dựng quy hoạch chi tiết và sắp xếp lại lồng bè nuôi trên biển trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và không tác động xấu đến phát triển du lịch; gắn kết mô hình nuôi cá lồng bè với phát triển du lịch tại Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.