Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với các địa phương thống kê mặt được và chưa được của mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, từ đó có biện pháp nhân rộng trong thời gian tới.
Tại các khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, hầu như các khó khăn về yếu tố môi trường đã được kiểm soát, khó khăn về điều kiện sản xuất là điện phục vụ cho sản xuất.
Đối với hình thức nuôi tôm hai giai đoạn, hiện tỉnh đang tiến hành ở 8 huyện, thành phố với 54 bể ương, tỷ lệ tôm đạt trên 80%.
Huyện Năm Căn hiện có trên 170ha với 163 hộ nuôi tôm siêu thâm canh. Qua kiểm tra thực tế, một vài hộ nuôi theo hình thức này vẫn chưa thực hiện tốt khâu xử lý nước thải, chất thải, hệ thống điện nuôi tôm còn thiếu an toàn.
Trước tình hình trên, đoàn nhắc nhở, đồng thời hướng dẫn người dân cách khắc phục nhằm đảm bảo việc thả nuôi đạt hiệu quả và an toàn.
Tại huyện Cái Nước, qua kiểm tra một vài hộ và hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao, phần lớn các hộ này đều thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tỷ lệ thành công qua các vụ nuôi đạt ở mức cao.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Cái Nước đã phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh lên 335ha với 269 hộ nuôi, trong đó có 17 hộ nuôi còn hạn chế một số điều kiện nuôi, chủ yếu là điều kiện về điện và môi trường. Hiện các hộ này đang trong quá trình khắc phục, hoàn thiện.
Huyện Trần Văn Thời hiện có hơn 70ha nuôi tôm siêu thâm canh, hiện các đầm tôm đang phát triển tốt. Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thời gian qua huyện đã chủ động truyền người dân vệ sinh môi trường vùng nuôi và đảm bảo an toàn về điện.
Đối với huyện U Minh, hiện nay đang cao điểm vụ lúa trên đất nuôi tôm, các trà lúa đang phát triển mạnh cũng như năng suất tôm đang ở mức khá. Hứa hẹn một vụ mùa năng suất cao. Việc triển khai mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của U Minh được đoàn công tác đánh giá cao về hiệu quả ban đầu.
Kết thúc chuyến công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét tình hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát được yếu tố môi trường nuôi, hiện nay vướng mắc lớn nhất là về điện. Do đó để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao cần phải có những giải pháp giải quyết bài toán về điện.