Để từng bước nâng cao năng suất, Hà Nội đang triển khai rộng các mô hình NTTS theo hướng thâm canh nhưng do khó khăn về nguồn vốn và thiếu kiến thức trong nuôi trồng nên vẫn chưa phát triển rộng rãi.
Nâng cao năng suất!
Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố là 21.044ha nhưng diện tích nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè chép… vẫn chiếm 83%, sản lượng ước tính thu được 76.042 tấn. Theo Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT), trong những qua, trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các mô hình nuôi cá theo hướng thâm canh nên năng suất nuôi thủy sản đã tăng 3-4 tấn/ha. Năm 2013, trung tâm đã triển khai một số mô hình như: Nuôi cá rô phi đường nghiệp với quy mô 1,2ha ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức), Thư Phú (Thường Tín), Hợp Đồng (Chương Mỹ). Nếu trước đây các hộ dân khai thác chỉ được 1-2 tấn/ha nhưng qua 6 tháng nuôi theo mô hình đã thu hoạch được 15-20 tấn/ha. Mô hình nuôi thâm canh cá truyền thống tại xã Hoàng Long (Phú xuyên) 40ha, xã Phương Tú (Ứng Hòa) 60ha, sau 6 tháng nuôi đã cho năng suất 10-10,7 tấn/ha. Mô hình nuôi thâm canh cá chép lai tại HTX Thủy sản Từ Châu, xã Liên Châu (Thanh Oai) với diện tích 6ha, năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha…
Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội Nguyễn Tiến Thịnh nhận định, mô hình NTTS thâm canh đã giúp bà con nông dân và các hộ nuôi trồng thủy sản thấy được tầm quan trọng của việc chọn loại cá nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng và khả năng đầu tư của các hộ; đồng thời nâng cao kinh nghiệm trong nhận thức kỹ thuật cho nông dân từ khâu cải tạo ao nuôi đến chăm sóc quản lý, phòng trị bệnh. Người dân đã không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục bị cấm, đặc biệt là kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; từ đó tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý với các vùng nuôi an toàn, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm thủy sản, gắn kết sản xuất từng vùng nuôi với các cơ sở tiêu thụ thành các chuỗi ổn định.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Việc thực hiện mô hình NTTS theo hướng thâm canh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như: nguồn kinh phí hạn chế nên rất nhiều vùng có điều kiện NTTS chưa được đầu tư như các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất... Hạ tầng cơ sở ở các vùng NTTS nói chung và thâm canh nói riêng vẫn chưa được quy hoạch đường điện, mương cấp thoát nước, giao thông còn nhiều khó khăn làm hạn chế việc giao lưu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hiện tại trên địa bàn thành phố chưa có các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản nên giá thức ăn còn cao đã ảnh hưởng tới sản xuất. Theo anh Bùi Văn Điệp, hộ NTTS ở huyện Thanh Oai, khi tham gia mô hình nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, người dân được tiếp cận với kỹ thuật nuôi mới nên năng suất cao hơn so với nuôi theo hướng quảng canh nhưng do giá bán sản phẩm thủy sản nuôi thâm canh không cao hơn so với nuôi truyền thống trong khi chi phí đầu vào cao hơn nên người nuôi còn ngại. Hiện nay, người dân đều bán qua thương lái mà chưa hợp đồng trực tiếp với các cơ sở thu mua... nên lãi thấp.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội nhận định, mặc dù còn khó khăn nhưng phát triển mô hình nuôi cá theo hướng thâm canh là xu hướng tất yếu, nên trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các huyện, thị xã tiếp tục xây dựng một số mô hình nuôi rô phi đường nghiệp để khai thác diện tích ao hồ gần khu dân cư. Bước đầu sẽ nuôi thử nghiệm giống cá mới như cá chiên trong lồng; cá lăng trong ao đất; Lươn trong bể composite. Đào tạo tập huấn kỹ thuật NTTS cho nông dân trên địa bàn thành phố nhất là những vùng nuôi thủy sản tập trung. Xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá truyền thống với quy mô 150 - 200ha ở các huyện, trong đó có mô hình NTTS an toàn sinh học tại xã Phú Đông huyện Ba Vì với diện tích 50-70ha. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về NTTS theo hướng thâm canh cho người dân để ngành NTTS Hà Nội từng bước phát triển ổn định, bền vững, tiến tới mở rộng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.