Nhiều bất cập
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 30.000ha nuôi trồng thủy sản, gồm hơn 11.000ha ao, hồ và 19.800ha ruộng trũng chuyển sang nhưng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, nhất là giao thông, thủy lợi ở nhiều nơi rất khó khăn.
Hộ anh Cấn Hoàng Chiến, ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Hơn 1ha NTTS của gia đình tôi đã ngập trắng trong đợt mưa lớn tháng 7. Không những thất thu, gia đình tôi còn phải giải quyết hậu quả sau khi nước rút, đó là cơ sở hạ tầng của ao nuôi bị hư hỏng nặng, ngoài ra còn thiếu vốn để tái sản xuất. Cùng chung cảnh ngộ, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm (huyện Ba Vì) Chu Văn Hồng cho biết, trong đợt mưa úng vừa qua, nhiều xã viên bị thiệt hại nhưng khó có thể tính toán chính xác do nhiều diện tích NTTS bị ngập sâu trong nhiều ngày.
Dù không bị ảnh hưởng do ngập úng nhưng đối với một số huyện trên địa bàn TP, NTTS đang đối mặt với khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm. Chủ tịch UBND xã Phương Tú Lê Xuân Toán cho hay, toàn xã có 218ha NTTS với 200 hộ sản xuất. Nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng đã gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt, NTTS phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, cá chết hàng loạt. Bên cạnh đó là những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, giá các loại cá truyền thống không ổn định làm ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, toàn TP có 21.200ha NTTS. Chỉ tính riêng đợt mưa úng trong tháng 7/2018 đã có tới 70% diện tích NTTS trên địa bàn TP bị ảnh hưởng, trong đó 3 huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ba Vì, Quốc Oai và Chương Mỹ với khoảng 1.000ha bị mất trắng.
Gỡ khó từ chính sách
Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đối với thủy sản, song thực tế khó xác định sản lượng thủy sản trong ao nuôi nên chưa có căn cứ cụ thể để xác định mức độ thiệt hại. Vì vậy, ngoài mức hỗ trợ theo quy định, TP cần đẩy mạnh cho nông dân vay vốn ưu đãi thông qua các nguồn: Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng Chính sách xã hội để khôi phục sản xuất. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ cho nông dân về con giống chất lượng cao, xử lý môi trường sau ngập úng.
Thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã có những biện pháp thiết thực giúp người NTTS như: Nạo vét kênh mương thủy lợi, hỗ trợ chế phẩm xử lý nguồn nước với kinh phí hàng tỷ đồng. Dù vậy, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài, huyện Ứng Hòa mong muốn được TP hỗ trợ đầu tư hệ thống dẫn nước từ sông Đáy về địa phương nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và có kế hoạch cải thiện tình hình ô nhiễm nguồn nước từ sông Nhuệ.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho rằng, hiện chính sách đầu tư cho phát triển thủy sản còn ít, một số chính sách chưa phù hợp với thực tế trong khi lực lượng quản lý ngành còn "mỏng". Để khắc phục những hạn chế này, ngành thủy sản TP đang đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới tại các huyện để có thêm nguồn lực phát triển. Ngoài ra, các vùng NTTS cần đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình nuôi trồng theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản.
Theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ thì diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/ha.