Với hơn 21.000ha NTTS, sản lượng đạt trên 90.000 tấn nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Đáng lưu ý, sản phẩm thủy sản của Hà Nội chủ yếu là tươi sống, cung ứng theo thời vụ, sản phẩm sơ chế, chế biến chỉ chiếm khoảng 5-6% sản lượng thu hoạch nên giá trị không cao. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, môi trường nước nói chung và nước cho NTTS nói riêng ngày càng ô nhiễm, đó là chưa kể nhận thức của người nuôi về phòng chống ô nhiễm, dịch bệnh còn thấp. Bên cạnh đó, kỹ thuật NTTS còn hạn chế, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ... khiến ngành thủy sản chưa phát huy tối đa lợi thế.
Để khai thác hết lợi thế sẵn có, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng các vùng NTTS quy mô lớn. Thành phố cũng cần tiếp tục hỗ trợ công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, quản lý cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong quá trình nuôi và kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản; hỗ trợ thuốc, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh cho vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan phải thường xuyên trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giống thủy sản và sản phẩm thủy sản lưu thông trên địa bàn, nhất là sản phẩm từ các tỉnh đưa về Hà Nội để sớm phát hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Dựa trên quy hoạch phát triển thủy sản Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các địa phương cần quy hoạch vùng NTTS theo hướng tập trung quy mô lớn, không khuyến khích những diện tích nhỏ, mang lại hiệu quả thấp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngoài hỗ trợ của thành phố, các huyện, thị xã cần chủ động xây dựng nguồn kinh phí hằng năm để giúp người nuôi về con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi, đường điện... tạo điều kiện thuận lợi cho vùng nuôi tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng cao; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị sơ chế, chế biến thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố... Để làm được điều này, Nhà nước cần có những cơ chế hỗ trợ về vốn cho trang trại, doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa con giống mới vào nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chế biến về số lượng; phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thủy sản nhằm tăng kết nối trực tiếp sản phẩm từ nông dân tới tay người tiêu dùng...