NHỮNG KẾT QUẢ KHÍCH LỆ
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.100 tàu cá các loại. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Phú Yên có khoảng 300 tàu cá của ngư dân được cải hoán, nâng công suất máy chính lên trên 90CV để đánh bắt xa bờ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.100 tàu cá công suất từ 90CV trở lên, trong đó có 296 tàu cá có công suất trên 400CV. Theo phê duyệt của UBND tỉnh, hơn 680 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Qua 5 năm triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, tỉnh đã hỗ trợ khoảng 6.875 chuyến biển với số tiền hơn 360 tỉ đồng. Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: Chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để ngư dân bám biển làm ăn và mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian tới. Theo ông Thuẩn, nhờ sự hỗ trợ này mà ngư dân làm ăn hiệu quả, có điều kiện để nâng cấp, cải hoán tàu thuyền và phát triển đội tàu công suất lớn để khai thác xa bờ.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Phú Yên đã có 5 tàu cá được hạ thủy, trong đó 4 tàu vỏ gỗ hành nghề lưới vây rút chì, 1 tàu vỏ thép hành nghề mành chụp và đang đóng mới 2 tàu vỏ thép. Hiện toàn tỉnh có 36 ngư dân vay vốn lưu động theo Nghị định 67 với số tiền khoảng 5,5 tỉ đồng. Đối với chính sách bảo hiểm, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt tạm ứng kinh phí hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 cho 308 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên và 1.612 thuyền viên với số tiền khoảng 4,2 tỉ đồng… Theo Sở NN-PTNT, tỉnh đã đăng ký bổ sung 17 dự án phát triển thủy sản vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. “Sở NN-PTNT đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư 4 dự án, trong đó có 2 dự án được Bộ KH-ĐT thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020, gồm: dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) đề nghị Trung ương hỗ trợ 80 tỉ đồng và dự án Trung tâm Giống thủy sản nước mặn tỉnh Phú Yên (ở xã An Hải, huyện Tuy An) đề nghị Trung ương hỗ trợ 50 tỉ đồng. Hai dự án còn lại, tỉnh xin Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí thông qua Bộ NN-PTNT, gồm: dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) và dự án Cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên (TP Tuy Hòa)”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói.
Tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Phú Yên được đóng mới theo Nghị định 67 đang neo đậu tại Cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu) - Ảnh: A.NGỌC
TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ ĐẦU TƯ CHO THỦY SẢN
Theo ngư dân, quá trình triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh gặp phải một số vướng mắc cần phải tháo gỡ. Ngư dân Lương Luận ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là chúng tôi không đủ vốn đối ứng để có thể vay vốn đóng mới tàu cá công suất lớn. Trong khi trữ lượng hải sản tại các vùng biển ngày càng suy giảm, ngư trường đánh bắt gặp khó khăn do tranh chấp và giá cá ngừ đại dương càng ngày càng giảm. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động cũng khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn khi vươn khơi khai thác hải sản và không mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn.
Còn ngư dân Lê Thái Bình ở phường 6 (TP Tuy Hòa) thì nói: “Tôi đóng mới một tàu cá vỏ gỗ theo Nghị định 67 với công suất 713CV và đã hạ thủy từ tháng 10/2015. Khi hợp đồng đóng tàu, mua máy tàu, vật tư, ngư lưới cụ…, tôi đều phải nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thuế. Ngoài ra, gia đình tôi đã nộp hồ sơ xin vay vốn để đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và được ngân hàng thẩm định nguồn vốn đối ứng, đồng ý cho vay. Thế nhưng, khi chuyển hồ sơ lên trên, không biết vướng chỗ nào mà đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện”.
Liên quan đến những vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết: Thời gian qua, việc triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh gặp phải một số vướng mắc. Trong quá trình triển khai, sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, thể hiện trách nhiệm chưa cao nên vẫn còn một số vướng mắc trong khâu thẩm định hồ sơ. Nghị định 89 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/11/2015, nhưng đến nay các địa phương ven biển triển khai quá chậm. Thời gian thực hiện Nghị định 67 chỉ còn trong năm 2016, nhưng đến nay huyện Tuy An chưa có ngư dân nào được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển, nhất là huyện Tuy An cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục phổ biến, tuyên truyền Nghị định 67 và Nghị định 89 để ngư dân mạnh dạn vay vốn nâng cấp, cải hoán và đóng mới tàu công suất lớn. Các sở, ngành và địa phương cần rà soát và nắm lại tình hình các ngư dân đã đăng ký nhưng chưa triển khai vay vốn cải hoán, nâng cấp và đóng mới tàu cá, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các địa phương cần phổ biến cho ngư dân đăng ký để Sở NN-PTNT tổng hợp tham mưu UBND tỉnh tổ chức mở lớp đào tạo thuyền viên, nhất là đối với thuyền viên tàu vỏ thép. UBND tỉnh sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm hướng dẫn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với ngư dân đóng tàu mới. Đối với chính sách đầu tư, UBND tỉnh đã đăng ký kế hoạch vốn với Trung ương và đã chỉ đạo Sở NN-PTNT lập thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh…