Thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời không để các loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng; đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, trong năm 2023 tổng diện tích ao nuôi tôm bị bệnh là 1,9 ha; trong đó bệnh đốm trắng (WSSD) là 1,2 ha xảy ra tại huyện Tuy Phước, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là 0,7 ha xảy ra tại huyện Phù Mỹ. Về cơ bản, tình hình dịch bệnh thủy sản trong năm 2023 đã được khống chế tốt. Nguyên nhân chủ yếu là do tại các vùng có ổ dịch cũ (huyện Tuy Phước, huyện Phù Mỹ), người nuôi không thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử trùng nước trước khi thả giống, làm cho mầm bệnh lây lan từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi.
Theo Kế hoạch, để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đạt hiệu quả cao, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp như:
- Đối với bệnh đốm trắng trên tôm và một số dịch bệnh nguy hiểm khác trên thủy sản nuôi:
+ Chủ động trong công tác phòng bệnh, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản được ưu tiên kiểm soát tại cơ sở nuôi, vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trên động vật thủy sản nuôi và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm động vật thủy sản.
+ Áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý ao nuôi theo quy chuẩn; tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch, áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
+ Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo quy định; định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi,...
Thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời không để các loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng. Ảnh: seafood.vasep.com.vn
- Giám sát chủ động và bị động:
+ Chủ động giám sát định kỳ, phát hiện bệnh sớm ở thủy sản nuôi là biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hoạt động giám sát định kỳ nhằm phát hiện, khuyến cáo, hướng dẫn cán bộ địa phương chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế thiệt hại xảy ra. Định kỳ kiểm tra 04 lần/tháng/5 huyện, thị xã, thành phố có nuôi trồng thủy sản.
+ Giám sát bị động: Khi tiếp nhận được thông tin từ địa phương hoặc người nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra thu thập mẫu các ao nuôi báo bệnh nhằm phát hiện dịch bệnh kịp thời, hướng dẫn biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế lây lan dịch bệnh.
- Thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm định kỳ, đột xuất:
+ Thu thập mẫu thủy sản định kỳ cần căn cứ vào diện tích, hình thức nuôi của mỗi địa phương và cần lấy số lượng mẫu đại diện cho cả vùng nuôi để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp phòng, chống dịch.
+ Thu thập mẫu đột xuất: Nhằm phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời hiệu quả, dự kiến lấy mẫu đột xuất tại 04 huyện trọng điểm thường xảy ra dịch bệnh: Huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước và thị xã Hoài Nhơn.
- Tổ chức phòng, chống dịch:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản và Quyết định số 2538/QĐUBND ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 – 2030.