Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước lợ 194,5 ha, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh cải tiến 112 ha. Nuôi thủy sản nước ngọt trong các hồ thủy lợi 870 ha (cả tỉnh có khoảng 1.500 ha).
Theo Phòng NN&PTNT huyện, diện tích nuôi thủy sản năm nay tăng bởi có thêm người nuôi cá trên hồ chứa thủy lợi ở xã Cát Tường, một phần diện tích sản xuất muối ở xã Cát Khánh chuyển sang nuôi tôm. Sản lượng thủy sản nuôi cũng tiếp tục tăng, 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thu hoạch là 1.145 tấn, đạt 67,4% kế hoạch, tăng 860 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hộ ông Phạm Tấn Hương (thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) nuôi tôm thâm canh trong ao trải bạt đạt hiệu quả cao. Ảnh: Hoài Thu.
Ông Lương Văn Khoa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Ở lĩnh vực nuôi thủy sản tại Phù Cát, điểm ấn tượng không chỉ ở diện tích mà quan trọng hơn còn ở chỗ người dân chủ động, chịu khó học hỏi, làm quen với cái mới, ứng dụng KHKT phù hợp để phát huy hiệu quả tối đa. Ví dụ, tổng sản lượng thủy sản nuôi 6 tháng đầu năm nay tăng 860 tấn so với cùng kỳ năm ngoái có sự đóng góp quan trọng từ những hộ nuôi tôm ở 2 thôn An Quang Tây, Ngãi An của xã Cát Khánh chuyển từ nuôi quảng canh cải tiến trong ao đất sang nuôi thâm canh trong ao trải bạt.
Ông Phạm Tấn Hương, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, cho biết: 2 năm trước, tôi bắt đầu chuyển từ nuôi tôm quảng canh cải tiến trong ao đất sang nuôi thâm canh trong ao trải bạt. Mọi thứ đều phải thực hiện bài bản, nghiêm túc hơn nhưng gần như ngay lập tức sản lượng tôm thu hoạch tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước, chất lượng con tôm cũng cao hơn rất nhiều. Từ 1 ao nuôi đến nay gia đình tôi đã có 6 ao. Và nay hầu hết hộ nuôi tôm trong thôn An Quang Tây đều nuôi trong ao trải bạt với tổng diện tích khoảng hơn 20 ha...”.
Một minh chứng khác cho sự “học hỏi, làm quen với cái mới” của người dân Phù Cát đó là việc nuôi ốc hương. Theo ông Lương Văn Khoa, nhiều năm trước đã có dự án nuôi khảo nghiệm nuôi ốc hương ở huyện Phù Cát nhưng không thành công. Gần đây, một số người dân ở Cát Minh, Cát Khánh tự tìm hiểu, học hỏi ở nơi khác, sau đó tìm cách nuôi thành công. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi ốc hương ở 2 xã này đạt mức 6,5 ha, sản lượng thu hoạch 50 tấn (trong khi tổng sản lượng của cả năm 2020 là 65 tấn).
Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), nhận xét: Người nuôi thủy sản ở huyện Phù Cát rất sáng tạo, chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ KHKT, lại được chính quyền động viên, hỗ trợ nên phát triển mạnh. Tới đây Chi cục sẽ tiếp tục có các hình thức hỗ trợ phù hợp để huyện phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, đồng thời từng bước khắc phục những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại.