Trưa ngày 25.1, sau lễ cúng ông Công, ông Táo, nhiều người dân ở TP.Vinh (Nghệ An) đến khu vực cầu Cửa Tiền thuộc địa bàn P.Cửa Nam và P.Vinh Tân (TP.Vinh) để thả cá chép xuống sông Vinh theo phong tục truyền thống.
Thế nhưng, trước khi người dân đến thả cá, một chiếc thuyền với các dụng cụ kích điện, lưới bát quái để bắt cá chép của một người phụ nữ và một nam thiếu niên đã chờ sẵn để... hành nghề.
Sau khi lưới bát quái được giăng sẵn ngay khu vực bến thả cá, người phụ nữ này chèo thuyền ẩn náu dưới chân cầu Cửa Tiền, sát vị trí người dân đến thả cá chép để chờ.
Cứ khoảng 15 phút, khi người dân lần lượt đến thả cá chép xuống sông thì người phụ nữ này lại chèo thuyền đến sát khu vực thả cá để nam thiếu niên ngồi cùng thuyền dùng kích điện để kích cá và vớt bắt những con cá chép vừa thả.
"Đội quân bắt cá" dùng vợt bắt cá vừa được thả phóng sinh. Ảnh minh họa
Lưới bát quái cũng được kéo lên để thu hoạch và rất nhiều cá chép vừa thả xuống sông đã lập tức bị rơi vào lưới, được người phụ nữ này kéo lên, cho vào thuyền. Sau khi thu cá, lưới lại được thả xuống để bắt tiếp những con cá khác.
Nhiều người dân đi thả cá chép tỏ ra bất bình với hành vi này, một số ít người có phản ứng, nhnhưng hai người trên thuyền vẫn coi như không.
Ông Hoàng Xuân Pho (ngụ P.Lê Lợi) đến thả cá chép, thấy cá vừa thả đã bị bắt trở lại đã tỏ ra rất bất bình, bởi theo phong tục cổ truyền, việc thả cá còn có ý nghĩa phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cá thả ra phải được bảo vệ. Thế nhưng, cá vừa thả đã bị bắt, mất ý nghĩa của phong tục truyền thống.
“Năm ngoái cũng có hiện tượng này, tôi đã phản ánh với chính quyền phường sở tại, nhưng hôm nay cũng không thấy người trách nhiệm đến để xử lý”, ông Pho nói.
Tại Nghệ An, năm nay, giá cá chép cao hơn năm trước. Cá chép vàng loại to giá từ 30.000 - 35.000 đồng/con, cá chép vàng loại nhỏ có giá 15.000 - 20.000 đồng/con. Mọi năm, người dân mua cá chép phóng sinh từ 5 - 7 con, có nhiều người mua cả kg để phóng sinh nhưng năm nay, hầu hết người dân chỉ mua 3 con.