Sông Mekong trải dài trên 6 quốc gia từ Trung Quốc, Myanmar đến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, được điều phối bởi Ủy ban sông Mekong quốc tế (MRC), và hoạt động dựa trên nguyên tắc của Hiệp định sông Mekong.
Mục tiêu chung của Hiệp đình này là quy định những nguyên tắc cơ bản về khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước, duy trì đa dạng sinh học trước những biến đổi về kinh tế-chính trị-xã hội của khu vực.
Từ khi ra đời, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã liên tục đề ra các chiến lược hợp tác phát triển cho các quốc gia ven sông và ngăn ngừa lãng phí nước trong lưu vực sông.
Trong giai đoạn 1995-2010, MRC đã xây dựng thành công bộ mô hình, Quy chế sử dụng nước, kế hoạch quy hoạch phát triển khu vực, giúp đỡ việc quản lý và phát triển các ngành như thủy sản, thủy điện...
Năm 2009, Ủy hội đưa ra quan điểm về việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính của hạ lưu sông Mekong. Năm 2010, Hội nghị cấp cao lần I của Ủy hội thông qua chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 là dựa trên quản lí tổng hợp tài nguyên nước.
Khi thể chế chung đã bị “mất niềm tin”
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, dường như mục tiêu “hạn chế những mâu thuẫn không mong muốn giữa các quốc gia khu vực sông Mekong” của MRC và Hiệp định sông Mekong đã bắt đầu thất bại trước những tham vọng lợi ích khai thác nguồn lợi của một số nước.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, nhận định “việc Chính phủ Lào đang chuẩn bị khởi công xây dựng thuỷ điện Don Sahong là một bước lùi lớn trong tinh thần Mekong, làm gia tăng mối lo ngại cho cả người dân Cambodia và người dân Việt Nam, nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.”
Phía Lào đã áp dụng thủ tục thông báo với các nước thành viên trong Ủy hội và thông báo dự án thuỷ điện Don Sahong sẽ được khởi công vào tháng 11 năm 2013 và sẽ hoàn thành năm 2018.
Điều này đã không đúng theo nội dung của Hiệp định Mekong 1995. Bởi lẽ, Don sahong nằm trên dòng chính sông Mekong, phải tuân theo Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) do Ủy Hội Mê Công phê chuẩn ngày 22 tháng 6 năm 2006.
Dự án thuỷ điện Don Sahong, có công suất chỉ 260 MW, nhưng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản và bảo tồn sinh học lớn cho vùng biên giới giữa Lào và Cambodia.
Trước tình hình thủy điện mọc liên tục trên sông Mekong, cùng những động thái từ Việt Nam, PGS.TS.Lê Anh Tuấn nhận định phía Việt Nam chưa có đủ những động thái tích cực để ngăn ngừa và khắc phục những tác hại từ vấn đề thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong.
Hiện nay, chỉ có các nỗ lực chính từ các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái và một số các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và một số chính quyền địa phương ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bày tỏ sự lo ngại và tìm giải pháp đối phó nhưng vẫn ở giai đoạn ban đầu.
Sông Mekong vốn thuộc quyền sở hữu chung của 6 quốc gia nên việc quản lí phải dựa trên sự nhất trí của các nước. Việc thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế và áp dụng Hiệp định sông Mekong chứng minh sông Mekong phải chịu sự điều phối của Luật Quốc Tế.
Tuy nhiên, cơ sở của luật vẫn là tự nguyện và bình đẳng, chưa có biện pháp “ứng phó” với các nước vi phạm hoặc không tuân thủ Hiệp định. Đó là bài toán nan giải đặt ra cho công tác quản lý sông Mekong.