Tầm quan trọng của việc quản lý chất lượng nước trong ao nuôi
Đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, việc duy trì chất lượng nước tốt là yếu tố quan trọng hàng đầu. Người ta thường nói “Nuôi thủy sản là nuôi nước” bởi chất lượng nước quyết định thành công của cả vụ nuôi.
Môi trường nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh trưởng và năng suất của các loài thủy sản. Nếu chất lượng nước kém, các loài thủy sản sẽ bị stress, suy giảm khả năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và gây tử vong. Việc quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản tốt giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nó liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.
Các thông số đánh giá chất lượng nước bao gồm: Nhiệt độ, Oxy hòa tan (DO), Độ mặn, Độ kiềm, pH, Độ đục , Hàm lượng Nitơ tổng (Amoniac, Amoniac dạng đơn, Nitrit, Nitrat), Thực vật phù du, Độ cứng. Theo dõi các thông số của nước giúp người nuôi biết được liệu có bất kỳ chỉ tiêu nào trong nước đang xảy ra vấn đề hay không, từ đó chủ động phòng tránh và tìm ra các phương pháp giải quyết kịp thời.
Các dụng cụ đo chỉ tiêu nước phổ biến trong nuôi trồng thủy sản ngày nay
Các dụng cụ đo chỉ tiêu nước có thể được chia thành 2 loại chính: Dụng cụ đo bằng mắt thường: các loại test kit,… và dụng cụ đo bằng máy: Bút đo nước cầm tay, máy đo đa chỉ tiêu,...
1. Test kit
Test kit là bộ dụng cụ dùng để kiểm tra các chỉ tiêu nước bằng cách tạo phản ứng màu. Test kit có nhiều loại khác nhau tùy theo chỉ tiêu cần đo và phương pháp phân tích. Có thể dùng test kit để đo các chỉ tiêu như độ pH, độ cứng, nồng độ oxy hòa tan, amoniac, clo, sắt, mangan,...
Test kit đo chất lượng nước. Ảnh: ST
Người dùng chỉ cần lấy một lượng nước mẫu cố định và thêm vào thuốc thử hoặc cho vào ống thử màu để quan sát kết quả, so sánh màu của dung dịch với bảng màu đi kèm để xác định giá trị của chỉ tiêu.
Ưu điểm:
- Giá thành khá rẻ
- Dễ sử dụng, hoạt động không cần nguồn điện
- Không cần bảo quản phức tạp như các thiết bị điện tử
Nhược điểm:
- Kết quả có thể không chính xác do phụ thuộc vào ánh sáng và khả năng quan sát của người dùng.
- Không có khả năng lưu trữ hay in ấn kết quả.
- Không có chức năng tự hiệu chuẩn.
2. Bút đo cầm tay
Bút đo cầm tay là thiết bị điện tử dùng để đo một hoặc một số chỉ tiêu nước. Thường có dạng bút hoặc máy nhỏ. Cấu tạo gồm phần thân máy và một phần đầu dò được gắn với các cảm biến hoặc điện cực để đo trực tiếp các thông số của nước.
Máy bút đo pH cầm tay. Ảnh: ST
Sau khi bật máy, nhúng đầu dò vào mẫu đo (có thể vừa nhúng vừa khuấy nhẹ). Chờ khi kết quả ổn định, người dùng có thể đọc kết quả trên màn hình hiển thị của máy đo. Để thu được kết quả chính xác hơn, trước khi đo nên hiệu chuẩn máy thường xuyên.
Ưu điểm:
- Nhỏ gọn, dễ mang theo và sử dụng.
- Cho kết quả nhanh chóng và chính xác.
- Có khả năng hỗ trợ lưu trữ, truyền dữ liệu qua cổng USB hoặc Bluetooth (tùy theo loại máy).
- Có khả năng chống thấm nước, chống va đập và chống tĩnh điện.
- Thường có chức năng tự động hiệu chuẩn và bù trừ nhiệt độ.
Nhược điểm:
- Giá thành tương đối cao hơn so với test kit.
- Cần có pin để hoạt động.
- Đo được ít chỉ tiêu hơn so với các loại máy để bàn hoặc máy tích hợp nhiều chức năng.
- Cần phải thay thế pin và thuốc thử khi hết hoặc hết hạn sử dụng.
- Phải rửa sạch và lau khô phần đầu dò sau mỗi lần đo để tránh ô nhiễm chéo hoặc hư hỏng cảm biến.
- Cần được bảo quản và vệ sinh cẩn thận.
3. Máy đo đa chỉ tiêu
Là thiết bị điện tử dùng để đo nhiều chỉ tiêu nước trong cùng một máy như: pH, độ dẫn, độ mặn, TDS, nhiệt độ, DO, ORP,…Thường có dạng máy lớn, cấu tạo gồm 2 bộ phận là thân máy chính cùng với các đầu đo. Các đầu đo có chứa các cảm biến hoặc các bộ lọc quang để phản ứng với các chỉ tiêu trong nước.
Máy đo đa chỉ tiêu. Ảnh: ST
Sau khi thực hiện các bước kiểm tra ban đầu cho máy, người nuôi lựa chọn chế độ đo mong muốn trên máy (ví dụ pH, TDS, DO…). Rửa sạch phần đầu đo bằng nước sạch và lau khô. Nhúng phần đầu đo vào nước mẫu và khuấy nhẹ để loại bỏ các bọt khí. Đợi cho kết quả ổn định trên màn hình và ghi lại hoặc lưu trữ vào bộ nhớ của máy (nếu có). Cuối cùng là rửa sạch lại phần đầu đò bằng nước và lau khô trước khi bảo quản.
Ưu điểm:
- Có khả năng đo được hầu hết các chỉ tiêu của nước.
- Tiết kiệm chi phí và thời gian khi không cần sử dụng nhiều thiết bị riêng biệt.
- Tốc độ đo nhanh, kết quả có độ chính xác cao.
- Có thể lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ máy, kết nối với máy tính hoặc điện thoại thông minh để quản lý dữ liệu đo.
- Tự động hiệu chuẩn, bù trừ nhiệt độ.
Nhược điểm:
- Giá thành cao.
- Cần nguồn điện hoặc pin để hoạt động.
- Để sử dụng máy cần đảm bảo đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất do máy thường tích hợp nhiều tính năng.
- Yêu cầu bảo quản và vệ sinh rất cẩn thận.
Vậy người nuôi nên lựa chọn giải pháp nào là tốt nhất?
Thật ra, không thể hoàn toàn đánh giá rằng một giải pháp này là hiệu quả tuyệt đối hơn giải pháp khác. Tùy thuộc vào quy mô nuôi trồng, mục đích, yêu cầu và điều kiện kinh tế, người nuôi có thể lựa chọn loại dụng cụ phù hợp nhất để kiểm tra chất lượng nước ao nuôi.
Thứ nhất, người nuôi cần xác định số lượng và loại chỉ tiêu cần đo. Nếu chỉ cần đo một hoặc một số ít chỉ tiêu như pH, độ dẫn điện, nhiệt độ, v.v. thì có thể sử dụng máy bút đo cầm tay hoặc bộ kit test. Nếu cần đo nhiều chỉ tiêu khác nhau như COD, BOD, amoni, nitrat, v.v. thì nên sử dụng máy đo đa chỉ tiêu.
Thứ hai, yêu cầu đối với độ chính xác và ổn định của kết quả đo. Nếu yêu cầu độ chính xác cao và ổn định thì nên sử dụng máy đo đa chỉ tiêu có tính năng hiệu chuẩn tự động, bù trừ nhiệt độ, lưu trữ dữ liệu,... Nếu thấp hơn về độ chính xác và ổn định thì có thể sử dụng máy bút đo cầm tay hoặc bộ kit test.
Thứ ba, về chi phí và thời gian sử dụng. Bộ test kit có giá cả phải chăng, dễ sử dụng là lựa chọn hợp lý cho ngân sách hạn hẹp và thời gian sử dụng ngắn hạn. Nếu có ngân sách cao hơn và thời gian sử dụng lâu dài thì nên sử dụng máy bút đo cầm tay hoặc máy đo đa chỉ tiêu có tuổi thọ cao và khả năng bảo trì tốt. Lưu ý nên chọn những thiết bị có giá thành phù hợp với ngân sách, nhưng không nên quá rẻ để tránh mất chất lượng.
Cuối cùng, bà con cũng cần chọn thiết bị dụng cụ đo chỉ tiêu nước được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín và có chứng nhận tiêu chuẩn. Hiện nay, đang có khá nhiều nhà phân phối các sản phẩm thiết bị đo với đầy đủ các phân loại để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Do đó, ngoài việc lựa chọn loại thiết bị sao cho phù hợp, người nuôi cũng nên cân nhắc lựa chọn các địa chỉ đáng tin cậy nhằm đảm bảo sản phẩm hoạt động ổn định, thu được kết quả và chất lượng như mong muốn.