1. Tôm bị mòn phụ bộ (mòn đuôi, cụt râu)
Nguyên nhân:
Do thức ăn thiếu chất lượng và số lượng làm tôm đói cắn nhau. Đáy ao nuôi bị dơ, vi khuẩn phát triển mạnh tấn công vào các phụ bộ, chân bò, chân bơi, râu làm mòn chân, mòn đuôi, cụt râu.
Biểu hiện:
- Tôm bơi lội chậm chạp, bắt mồi kém, phát triển chậm.
- Râu, đuôi, chân bò bị mòn có màu đen, trên thân tôm có nhiều chỗ bị xay xát.
Cách xử lý:
- Nếu mòn đuôi do tôm đói cắn nhau thì điều chỉnh tăng lượng thức ăn cho vừa đủ, một thời gian sau tôm khoẻ mạnh lột xác các chỗ bị mòn ở đuôi sẽ hết.
- Nếu mòn đuôi, cụt râu do vi khuẩn tấn công thì sử dụng hoá chất Formol, BKC diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật; đồng thời tăng cường vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho tôm.
2. Đóng rong trên thân
Nguyên nhân:
- Do quản lý chất lượng nước không được tốt, một số loài nấm, nguyên sinh động vật bám trên thân tôm phát triển mạnh làm cho tôm khó khăn trong việc lột xác và sinh trưởng.
- Do đáy ao dơ bẩn, môi trường sinh khí độc làm tôm hoạt động kém, tạo điều kiện tốt cho nấm và nguyên sinh động vật bám vào thân tôm.
Biểu hiện:
- Trên thân tôm đóng 1 lớp nhớt, vỏ tôm dày làm cho tôm khó khăn trong hoạt động bắt mồi và sinh trưởng; tôm có hiện tượng phân đàn, phát triển không đồng đều, chậm lớn.
Cách xử lý:
- Quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, độ kiềm, độ trong, oxy.
- Dùng hoá chất Formol, BKC diệt khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật kết hợp với thay nước 20-30%.
- Tăng cường những chất bổ dưỡng như vitamin C để nâng cao sức đề kháng; trộn dầu mực vào thức ăn kích thích tôm bắt mồi.
- Dùng men vi sinh để phân huỷ các chất dơ bẩn ở đáy ao do các chất hữu cơ lắng tụ.
3. Mềm vỏ (da thiết)
Biểu hiện:
- Tôm chậm lớn, cơ thịt không đầy vỏ, vỏ mỏng, nhăn nheo, gợn sóng.
- Tình trạng mềm vỏ kéo dài, dễ bị nhiễm các loại bệnh khác.
Nguyên nhân:
Do môi trường ao nuôi xấu, tôm bắt mồi kém, thức ăn không đủ chất dinh dưỡng, thiếu chất khoáng, tôm chậm lớn .
Cách xử lý:
- Nâng cao chất lượng nước, định kỳ thay 20-30% nước trong ao. Cung cấp đầy đủ thức ăn có chất lượng cao, và bổ sung vào thức ăn các loại men tiêu hoá, khoáng vi lượng...
- Dùng vôi Dolomite 50 kg/1.000 m3 giúp tăng hệ đệm, ổn định pH.
- Cung cấp thêm lượng can-xi cho vuông nuôi bằng cách bón vôi CaCO3 (vôi nông nghiệp), liều lượng 150-200 kg/ha.
Lưu ý:
- Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh cần thông báo cho các ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Không được xả nước từ vuông nuôi có tôm bị bệnh, vứt bỏ xác tôm chết ra ngoài môi trường xung quanh./.