Vùng cát ven biển Quảng Bình có diện tích khá lớn, chiếm 5,9% tổng diện tích tự nhiên. Những năm qua, người dân đã đầu tư khai thác vùng cát phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, làm trang trại, trồng rừng và chăn nuôi... Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc khai thác vùng cát ven biển chủ yếu đang diễn ra lẻ tẻ, manh mún, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế của nó. Không những thế, hậu họa của việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản tại vùng ven biển Quảng Bình đang khiến cho vùng ven biển đối mặt với tình trạng ô nhiễm.
Qua khảo sát của chúng tôi, tại các bãi nuôi thủy sản ở Quảng Bình, do không có ao chứa lắng, xử lý, nên phần lớn các hộ nuôi đều đổ trực tiếp nước thải ra biển mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào. Theo các chuyên gia về nuôi thủy sản thì để nuôi được một tấn tôm thẻ chân trắng cần phải cung cấp hơn một tấn thức ăn và nếu đổ xuống ao ba tấn thức ăn sẽ còn lại hai tấn chất thải rắn không được tiêu thụ. Nếu 1ha ao nuôi 1 năm (nuôi ba vụ) thải ra biển đến 22 tấn chất thải rắn. Ngoài việc xả nước thải ra biển, nhiều hộ nuôi xả trực tiếp nước thải và bùn ao nuôi ngay ra cạnh bờ hồ nuôi, gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm. Dịch bệnh có thể lây lan sang các hồ nuôi khác bất cứ lúc nào.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, việc quy hoạch và phát triển vùng nuôi tôm trong tỉnh còn mang tính tự phát hoặc không thực hiện theo quy hoạch và phương án đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Vùng nuôi tôm ở xã Quảng Xuân, Quảng Thọ (Quảng Trạch) phát triển tự phát, không có quy hoạch, ao hồ đầu tư xây dựng thiếu khoa học đã và đang gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Các vùng nuôi như Đức Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch), Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) tuy đã được UBND huyện và Hội đồng đánh giá tác động môi trường tỉnh xem xét, phê duyệt nhưng hầu hết các chủ đầu tư không thực hiện đúng như quy hoạch và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.