Ông Hồ Xuân Viên ở thị trấn Sịa nuôi 4 hồ tôm, đến nay mới thả giống được 2 hồ. Theo ông Viên, việc thả giống trong điều kiện nguồn nước bị “ngọt hóa” trong thời điểm này là điều ngoài mong muốn. “Nếu không thả giống lúc này thì quá trễ thời vụ, nuôi không hiệu quả vì thời tiết nắng nóng dễ xảy ra dịch bệnh, tôm bị còi. Nhưng thả nuôi trong điều kiện nguồn nước bị ngọt, độ mặn quá thấp thì nguy cơ, rủi ro rất cao”, ông Viên than thở.
Cạnh hồ tôm của ông Viên là ao nuôi chừng 3.000m2 của ông Nguyễn Tốn. Ao hồ này đã được cải tạo, xử lý vệ sinh môi trường nhưng vẫn chưa thể đưa nước vào thả nuôi vì bị ngọt hóa. Chỉ vài ngày đến một tuần nữa nếu nguồn nước vẫn ngọt thì nguy cơ vụ này bị bỏ hoang. “Nhiều năm trước vào thời điểm này độ mặn ổn định, song vài năm trở lại đây do các đợt không khí lạnh, mưa rét liên tục kéo dài, nguồn nước từ sông Bồ đổ về sông Diên Hồng chảy ra các vùng NTTS khiến nguồn nước ở đây bị ngọt”, ông Tốn dự đoán.
Nguồn giống thủy sản năm nay cũng rất khan hiếm khiến tiến độ thả nuôi bị chậm. Mấy năm trước người dân thường mua giống cá dìa, tôm sú ở một số cơ sở sản xuất, ương dưỡng trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay nguồn giống tại các cơ sở này lại hiếm “bất thường”. Nhiều hộ phải đến các tỉnh khác để mua giống nên mất nhiều thời gian, giá lại cao. “Với tôm giống có thể xoay xở, mua từ các tỉnh khác về nuôi, còn giống cá dìa thì “bó tay” nên nhiều ao hồ đến nay vẫn bỏ trống”, ông Phan Lành ở xã Quảng Phước nói.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phước-bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, mấy năm gần đây thời tiết cực đoan khiến NTTS gặp nhiều khó khăn. Riêng vụ nuôi năm nay, do nguồn nước bị ngọt hóa, nguồn giống khan hiếm nên toàn xã có khoảng 163 ha NTTS đến nay mới thả giống khoảng 70% diện tích. Số diện tích đã thả cũng chậm trễ so với lịch thời vụ từ 7-10 ngày. Số diện tích còn lại nếu nguồn nước vẫn bị ngọt, độ mặn không đảm bảo có nguy cơ bỏ hoang.
Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, đến nay tại một số vùng ở các xã: Quảng Phước, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Ngạn, thị trấn Sịa vẫn chưa có độ mặn, một số ao hồ vẫn chưa thả giống. Nguồn nước bị “ngọt hóa” do các đợt không khí lạnh, mưa liên tục, nguồn nước trên sông Bồ cao nên phải xả cống trên đê Diên Hồng để thoát. Hiện nay nước trên các sông bắt đầu hạ, theo chỉ đạo của huyện, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương đóng cống Diên Hồng từ 5-7 ngày thì độ mặn sẽ tăng lên. Độ mặn chỉ cần từ 3-4 phần ngàn thì người dân hoàn toàn có thể đưa nước vào hồ thả nuôi. Trường hợp độ mặn chưa đạt, bà con có thể đấu nối ống lấy nước từ ngoài phá đưa vào hồ nuôi, song chi phí sẽ cao.
Người dân Quảng Lợi nuôi cá chắn sáo trên phá Tam Giang.
Theo bà Nhã, lâu nay nguồn giống cá dìa chủ yếu khai thác từ thiên nhiên, trên các vùng đầm phá. Do năm nay mưa lạnh kéo dài, nguồn nước bị ngọt nên giống cá dìa không thể sinh sôi, rất khan hiếm. Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các địa phương vận động người dân chuyển đổi sang nuôi cá đối, cũng là đối tượng thích hợp với điều kiện vùng đầm phá Quảng Điền. Tuy nhiên ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên thả nuôi mật độ thưa đảm bảo cá phát triển tốt, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, tránh “cung vượt cầu”.
Nuôi cá lồng trên sông Bồ tại một số địa phương đến nay cũng mới chỉ thả nuôi chừng 40% số lồng hiện có. Trong các đợt lũ lụt cuối năm 2017, nhiều hộ nuôi cá lồng ở hai xã Quảng Thọ, Quảng Phú bị mất trắng, nhiều hộ thiệt hại từ vài trăm triệu đến 3 tỷ đồng. Bước vào vụ nuôi năm nay, phần lớn các hộ còn nợ ngân hàng, không có vốn tái đầu tư. Các hộ đã thả nuôi cũng đang gặp vấn đề khó khăn về chi phí mua thức ăn.
Riêng nuôi cá diêu hồng trên sông Bồ ở xã Quảng Phú, đến nay mới thả nuôi khoảng 15% số lồng. Ông Phạm Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú kiến nghị, cấp trên cần có biện pháp đầu tư xây dựng các trụ neo đậu lồng bè trong mùa bão lũ; có chính sách, tạo điều kiện khoanh nợ, tiếp tục cho người dân vay vốn ưu đãi để tiếp tục nuôi cá lồng trên sông Bồ.