Dù bờ biển Cửa Lở được người dân làm kè tạm nhưng chỉ sau trận mưa lũ là những bờ kè này bị cuốn trôi theo dòng nước.
Ông Đặng Quốc Hoanh (47 tuổi, thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho hay, từ đầu năm đến nay, bờ biển Cửa Lở bị ăn sâu vào đất liền gần 100m. Riêng 2 tháng trở lại đây đã sạt lở vào đất liền 50m. “Hàng chục ao tôm ở đây bị cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. Cũng như những người khác, tôi thường xuyên canh chừng ao tôm sắp thu hoạch đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi“- ông Hoanh nói.
Những căn nhà của người dân cũng bị đánh sập.
Những công trình kiên cố của những hộ nuôi tôm bị sóng cuốn trôi.
Nhiều hộ nuôi tôm ở sát “miệng hà bá” phải bỏ hoang dù đã đầu tư hàng trăm triệu đồng.
Ông Phạm Văn Châu đang đứng trên số tài sản hàng trăm triệu đồng bị nước cuốn trôi, và vùi lấp ở Cửa Lở trong cơn bão số 9 vừa qua.
“Sạt lở nhanh khiến tôi chỉ biết đứng nhìn số tài sản cuốn theo dòng nước, thiệt hại quá nặng nề. Giờ thấy đó những cũng bỏ vì vùi lấp quá sâu và hư hỏng nặng nên không đào lên được“- ông Châu chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, tình hình sạt lở ở khu vực Cửa Lở là rất nghiêm trọng, có gần 2km đường bờ biển bị sạt lở, nhiều nơi sóng biển khoét sâu vào đất đai người dân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh kế của 200 hộ dân.
“Địa hình xã đảo có thể bị chia cắt thành nhiều mảnh nếu tình trạng sạt lở nghiêm trọng tiếp tục kéo dài“- ông Tiến nói.