Lưới vây bội thu
Hiện thời tiết chưa thật thuận lợi nhưng tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, các phương tiện vẫn ra khơi bám biển. Ba tháng đầu năm nay, nghề lưới vây đóng góp thu nhập khá. Tại huyện Núi Thành, bình quân sau mỗi chuyến biển, một tàu lưới vây khai thác được khoảng 6 tấn cá (chủ yếu là cá ngừ và cá nục), mỗi tàu thu được gần 250 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Tạo ở thôn Sâm Linh Đông (Tam Quang) cho biết: “Những tháng đầu năm, thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ được trang bị phương tiện tốt, ngư dân vẫn kiên trì bám biển. Mặc dù chi phí khai thác tăng cao nhờ mặt hàng hải sản được giá nên mỗi ngư dân có thể thu nhập hàng chục triệu đồng sau nửa tháng bám biển”.
Ngư dân làm nghề lưới vây ở xã Điện Dương (Điện Bàn) cũng có thu nhập khá trong các chuyến biển vừa qua. “Sau khi khai thác được kha khá các loại cá ngừ, cá cơm và mực là chúng tôi nhanh chóng cập cảng tiêu thụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm rồi lại tranh thủ ra khơi ngay để thực hiện chuyến biển kế tiếp” - ông Đặng Trung, ngư dân thôn Hà My Đông (xã Điện Dương) nói. Trung bình, mỗi chuyến biển, ngư dân làm nghề lưới vây ở xã Điện Dương thu được khoảng 80 triệu đồng, mỗi lao động thu nhập gần 5 triệu đồng.
Trong vụ cá bắc vừa qua, sản lượng hải sản của nghề lưới rê và lưới quét khai thác được cũng rất đáng kể. Anh Phạm Cảm (ngư dân xã Trà Đông, Duy Vinh, Duy Xuyên) nói: “Sau 5 năm du nhập và cải tiến, nghề lưới rê 3 lớp đã đem lại hiệu quả cao cho các ngư dân địa phương. Với các đặc thù là dễ dàng khống chế phạm vi hoạt động của đàn cá và biên độ khai thác rộng, chúng tôi rất kỳ vọng vào công cụ khai thác hải sản này”.
Triển khai vụ cá nam
Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, thời gian qua ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển. Đặc biệt, chi cục đã đưa ra các dự báo về nguồn lợi, qua đó hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân. Tuy nhiên, do dự báo hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác ven bờ sẽ thiếu bền vững; khả năng huy động vốn để đóng mới và cải hoán tàu đánh bắt xa bờ còn hạn chế nên bước vào vụ cá nam năm nay, ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển rất cần thiết cho ngư dân. Ảnh: Q.V
Thời gian qua, để tăng cường tính chất tự hỗ trợ sản xuất của ngư dân, mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển đã được triển khai. Hiện ngư dân trên toàn tỉnh đã thành lập được 72 tổ, đội đoàn kết với sự tham gia của 730 phương tiện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế tai nạn trên biển. Tuy nhiên, việc thành lập và nhân rộng mô hình này chưa được đều khắp ở các địa phương. Số lượng tàu cá hoạt động ở những vùng biển xa bờ tham gia vào tổ, đội đoàn kết chưa được nhiều. Nhiều tổ, đội sau khi thành lập đã không đưa được các quy chế hoạt động đi vào nền nếp... Ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi & khai thác thủy sản của Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, bước vào vụ cá nam (bắt đầu từ ngày 1.4), chi cục sẽ phối hợp với các phòng kinh tế, phòng NN&PTNT tại các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. “Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ hoạt động của các tổ, đội đoàn kết là một trong những hoạt động chính của chúng tôi khi bước vào vụ cá nam. Triển khai hội nghị về việc thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển cho các tàu đánh bắt xa bờ là nhiệm vụ cấp thiết. Theo đó, chúng tôi sẽ phổ biến các kiến thức cần thiết về quyền lợi cho các ngư dân khai thác trên các vùng biển xa” - ông Toàn nói.
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản được ban hành, tuy nhiên do nguồn vốn của ngư dân còn yếu nên tốc độ phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, để triển khai hiệu quả vụ cá nam, chi cục tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ cho ngư dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vậy, công tác phân phát, hướng dẫn ghi chép, thu nộp, xử lý các biểu mẫu về nhật ký khai thác, báo cáo khai thác sẽ được tiến hành thường xuyên hơn. Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết thêm: “Ở vụ cá nam này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản tham mưu cho Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ với các điều kiện phù hợp để ngư dân có thể tiếp cận và hưởng lợi”.