Hiệu quả kinh tế cao
Từ giữa tháng 1.2016, ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) huy động tối đa nhân lực, máy móc tập trung cải tạo đáy ao nhằm chống nhiễm phèn và mua 24 nghìn con giống có chất lượng tốt để thả vào hồ tôm rộng 12 nghìn mét vuông. Sau gần 3 tháng thả nuôi, ông Sơn tiến hành thu hoạch số diện tích đó và tổng sản lượng đạt hơn 2,4 tấn tôm thịt. Với giá bán bình quân 100 nghìn đồng/kg, ông lãi khoảng 150 triệu đồng. Ông Sơn cho biết: “Cách đây hơn một tháng, gia đình tôi tiếp tục thả nuôi gần 30 nghìn con giống cũng trên diện tích mặt nước vừa nêu. Nếu không có gì bất thường thì chừng 6 tuần nữa tôi sẽ bắt tay vào việc thu hoạch lứa tôm thẻ chân trắng thứ 2 trong năm. Hy vọng, vụ này tôi và người dân nơi đây lại tiếp tục thắng lợi”. Không riêng gì ông Sơn, rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Duy Vinh cũng thu về số tiền lời khá lớn trong vụ 1 năm nay.
Ông Trần Văn Sành – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, vụ vừa qua địa phương có khoảng 75ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó hơn 3ha nuôi theo hình thức lót bạt. Theo ông Sành, từ đầu đến cuối vụ nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, người dân nơi đây lại được ngành chuyên môn xuống tận cơ sở tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh nên con tôm phát triển rất tốt. Ông Sành nói: “Qua thống kê cho thấy, vụ 1 năm 2016 tổng sản lượng tôm thu hoạch từ số diện tích thả nuôi vừa nêu đạt 180 tấn, vượt 30 tấn so với kế hoạch cả năm. Hiện nay, bà con nhân dân trên địa bàn xã Duy Vinh đang tập trung chăm sóc, theo dõi chặt chẽ nguồn nước, dịch bệnh nhằm đảm bảo tôm nuôi vụ 2 tiếp tục cho sản lượng khá. Và, điều người dân đang mong đợi nhất lúc này là giá bán sản phẩm vẫn ổn định ở mức cao như thời gian qua”.
Ngoài 75ha ở xã Duy Vinh thì trong vụ 1 năm 2016 nhiều hộ dân thuộc xã Duy Thành và Duy Nghĩa cũng thả nuôi 29ha tôm thẻ chân trắng. Kết quả cho thấy, tổng sản lượng tôm thịt thu về từ 104ha mặt nước tại 3 địa phương này đạt 240 tấn, tăng 20 tấn so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Với giá bán dao động 90 - 120 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, người dân lãi ròng hơn 20 tỷ đồng...
Mở rộng diện tích
Giữa tháng 7 dương lịch, có mặt tại các xã vùng đông huyện Duy Xuyên, đâu chúng tôi cũng nghe tiếng nổ ầm ầm của những loại máy đang làm nhiệm vụ hút bùn đất để phục vụ cho công tác cải tạo, xây dựng hồ nuôi tôm mới. Theo quan sát, thời điểm này một số hồ nuôi của người dân 3 xã Duy Vinh, Duy Thành, Duy Nghĩa đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện và mua sắm thêm trang thiết bị để nuôi. Trong khi đó, đại diện các công ty giống thủy sản có thương hiệu như Miền Trung, Việt – Úc, Thiên Phú… tìm xuống tận nơi và chủ động liên hệ với nông dân để thực hiện dịch vụ cung ứng con giống tôm thẻ chân trắng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Minh – người dân ở thôn Đông Bình (xã Duy Vinh) cho biết, gia đình ông bắt đầu nuôi tôm từ đầu năm 1999. Hơn 17 năm qua, có nhiều vụ ông ngây ngất vì trúng rất đậm nhưng cũng có không ít mùa thất bát do tôm bị chết hàng loạt. Bây giờ, ông vẫn theo đuổi cái nghề được ví như đánh bạc với trời ấy. Theo ông Minh, mặc dù hiện tại ông đang có 3 hồ nuôi nhưng vẫn quyết định thuê thêm đất của Nhà nước để mở rộng diện tích. “Với 4 nghìn mét vuông mặt nước vừa được ngành liên quan và chính quyền địa phương bàn giao, tôi đã đầu tư gần 300 triệu đồng để thuê phương tiện cơ giới múc đất, đào ao… đó là chưa nói đến chuyện phải nộp cho Nhà nước 256 triệu đồng tiền thuê số diện tích ấy trong vòng 5 năm. Tôi mong rằng, các cơ quan có trách nhiệm cần sớm có những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người nuôi tôm phát triển sản xuất, nhất là tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn với lãi suất thấp. Đặc biệt, phải chú trọng công tác quản lý chất lượng thức ăn, con giống và kiểm soát chặt chẽ môi trường nước. Có như vậy mới hy vọng hạn chế được những rủi ro”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Châu Giang – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, trước lợi nhuận rất cao từ con tôm, trong vòng 3 tháng trở lại đây người dân ở các xã vùng đông của huyện đã đầu tư mở rộng thêm ít nhất 20ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Toàn bộ số diện tích nêu trên đều nằm trong khu vực được quy hoạch nuôi tôm. Ông Giang nói: “Quan điểm của huyện là luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề này, nhưng yêu cầu mang tính bắt buộc là phải đảm bảo về vấn đề môi trường. Có thể khẳng định, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Duy Xuyên đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề này, chúng tôi phải tiếp tục tăng cường khâu giám sát, nhất là chất lượng con giống đầu vào và nguồn thức ăn công nghiệp. Đồng thời tích cực chuyển giao quy trình kỹ thuật và hướng dẫn người dân thực hiện triệt để việc thả nuôi theo đúng lịch thời vụ quy định nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do các loại dịch bệnh nguy hiểm gây ra”.