Sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Tôm bị bơm tạp chất đã và đang là vấn nạn thường xuyên xảy ra ở nhiều cơ sở nuôi tôm và sản xuất, kinh doanh loại hàng hải sản này, nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Việc đưa các tạp chất không rõ nguồn gốc vào tôm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây mất niềm tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, những hành vi bơm tạp chất vào tôm, kinh doanh tôm có tạp chất, tuy chưa phải là “điểm nóng”, nhưng cũng đã manh nha xuất hiện. Vì vậy, để tăng cường quản lý, ngăn chặn, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra thực trạng trên. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu đến năm 2018, phải chấm dứt vấn nạn này như chỉ đạo của Chính phủ, vào tháng 7.2017, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và ban hành Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Thực hiện đề án của tỉnh, UBND thành phố Quảng Ngãi, một trong những địa phương trọng điểm nuôi tôm và tiêu thụ tôm của tỉnh hiện đang tập trung chỉ đạo các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra, giám sát và tập trung tuyên truyền đến các chủ hồ nuôi tôm và các cơ sở thu mua, tiêu thụ tôm trên địa bàn, để người dân biết về đề án và nghiêm túc chấp hành.
Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Quảng Ngãi Lê Văn Nghiêm cho biết, dù đến thời điểm này, Quảng Ngãi chưa phải là địa bàn “nóng” về tình trạng bơm tạp chất vào tôm, nhưng không vì thế mà chủ quan. Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, hiện nay các ban, ngành, địa phương đang tập trung kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghiêm, do mỗi sở, ban, ngành chịu trách nhiệm phụ trách quản lý, kiểm tra, giám sát nhóm đối tượng, lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như Sở Công thương phụ trách kiểm tra, quản lý việc tiêu thụ tôm tại chợ và siêu thị, Chi cục Thủy sản chịu trách nhiệm kiểm tra tại các hồ nuôi tôm... nên để thực hiện mục tiêu đề án, Chi cục đã yêu cầu chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh đều tham gia các đoàn liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt từ hồ nuôi tôm đến các cơ sở thu mua, chế biến tôm nguyên liệu.