Biển ngày càng ăn sâu vào đất liền
Tại xã ven biển Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), vị trí tiếp giáp giữa phía hữu ngạn sông Bài Ca và cửa biển Sa Kỳ có khoảng 50ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thường xuyên bị ngập do nước biển dâng.
Do biển xâm thực và chưa có hệ thống đê bao nên hiện các khu dân cư đông đúc, sầm uất của thôn Kỳ Xuyên, An Kỳ giờ chỉ nằm cách mép nước từ 200m - 300m. Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, xã Tịnh Kỳ phải triển khai di dời khoảng 500 hộ dân (khoảng 2.300 người) ra khỏi vùng thấp, trũng có nguy cơ mất an toàn.
Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, hơn 2km đường bờ biển kéo dài từ thôn Thạnh Đức 1 đến thôn Thạnh Đức 2 (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) đã bị xâm thực từ 30 – 40m, gây xói lở, sập nhà các hộ dân sống ven bờ.
Tình trạng xâm thực cũng làm cho nhiều diện tích đất thổ cư của người dân bị “xóa sổ”, khoảng 200 ngôi nhà và 6 đoạn đê muối Sa Huỳnh đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.
Làm vành đai xanh chắn sóng
Xây dựng đê bao chắn sóng là giải pháp được Quảng Ngãi tính đến nhưng do nhu cầu kinh phí lớn nên từ vài năm nay tỉnh Quảng Ngãi quyết định khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển để hình thành “vành đai xanh”.
Từ cuối năm 2014 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, với kế hoạch trồng mới 114 ha. Tổng kinh phí của dự án trên 24 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, loại cây được trồng là đước và cóc trắng bản địa.
Ngoài dự án trồng rừng ngập mặn ở xã Bình Thuận thì năm 2015, từ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cũng đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới và phục hồi khoảng 40ha rừng ngập mặn ở xã Bình Phước và Bình Đông (Bình Sơn) với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Riêng xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) sẽ được triển khai hạng mục trồng rừng thuộc dự án xây dựng hệ thống đê bao ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trồng rừng ngập mặn ven biển là giải pháp ít tốn kém và thân thiện với môi trường, nên Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị, đề xuất lên Trung ương xin kinh phí tiếp tục đầu tư dự án trồng rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận và trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn) trong giai đoạn 2016 – 2020.