Đến hết tháng 5/2019, trên địa bàn TX Đông Triều còn 42,4ha, 82 hộ dân, 79 giếng khoan nuôi tôm tự phát (giảm 39,1ha, 98 hộ so với đầu năm 2018). Dự kiến cuối năm nay, thị xã sẽ xóa toàn bộ các ao, giếng khoan nuôi tôm tự phát, bằng cách tuyên truyền, vận động các hộ dừng nuôi tôm trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Xã Hoàng Quế (TX Đông Triều) hiện còn hơn 10 hộ dân nuôi tôm tự phát, diện tích trên 10ha.
Đến nay, mặc dù tình trạng nuôi tôm tự phát đã có xu hướng giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nuôi rải rác tại các xã, phường: Hoàng Quế, Hồng Thái Tây, Yên Đức và Kim Sơn... Đáng nói, những ao nuôi tôm tự phát nước lợ lại nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Điều này diễn ra từ nhiều năm trước, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, nhất là diện tích cấy lúa và nuôi cá nước ngọt vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn.
Với hơn 10 hộ nuôi tôm, diện tích hơn 10ha, xã Hoàng Quế là địa phương có diện tích nuôi tôm tự phát nhiều nhất của thị xã. Trước đó, năm 2017, do người nuôi tôm trong xã tự ý khoan khai thác nước dưới đất để phục vụ nuôi tôm nước lợ đã gây ra tình trạng sụt lún đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp (cấy lúa) và các hộ nuôi cá nước ngọt xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã đã yêu cầu 100% số hộ nuôi tôm tự phát sau khi thu hoạch hết vụ tôm này (khoảng tháng 9/2019) phải thực hiện đúng cam kết không thả giống nuôi tôm tự phát nữa.
Ông Nguyễn Trọng Phu, Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Hoàng Quế, cho biết: Trước đây, việc nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận lớn, nên nhiều hội viên HTX đã bất chấp rủi ro, tự ý chuyển đổi từ nuôi cá nước ngọt sang nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát. Hệ lụy là người nuôi tôm thường xuyên đối mặt với dịch bệnh; trong khi kinh nghiệm nuôi tôm còn hạn chế, khiến việc đầu tư mô hình này hiệu quả kinh tế không cao. “Đây là thời điểm phù hợp nhất để HTX phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các hộ dân dừng hẳn nuôi tôm tự phát, vì tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, các hộ nuôi đang có nhu cầu chuyển đổi sang đối tượng khác. HTX đang triển khai mô hình đưa một số đối tượng nước ngọt vào nuôi thay thế để bà con chuyển đổi phù hợp. Đồng thời, yêu cầu hơn 10 hộ dân còn diện tích nuôi tôm nước lợ thực hiện đúng cam kết sau khi thu hoạch hết vụ tôm này sẽ đóng cửa những ao nuôi tôm tự phát”- Ông Phu nhấn mạnh.
Tại xã Hồng Thái Tây, có 22 hộ nuôi tôm tự phát, diện tích gần 5ha, sử dụng 28 giếng khoan (giảm 18 hộ so với cuối năm 2018). Hoạt động nuôi tôm nước lợ tự phát diễn ra nhiều năm qua đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nguy cơ nhiễm mặn vùng quy hoạch nuôi cá nước ngọt và vùng cấy lúa xung quanh.
Ông Hoàng Tùng Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Tây cho biết: Để xử lý triệt để tình trạng này, hiện tại xã đã vận động yêu cầu 100% các hộ nuôi tôm tự phát ký cam kết với địa phương sau khi thu hoạch xong vụ tôm này sẽ không thả giống nuôi mới. Đồng thời, chủ động trám lấp giếng khoan, không khai thác và sử dụng nước ngầm để nuôi tôm nữa. Song song với việc ký cam kết thực hiện, sắp tới xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm tự phát của các hộ dân.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng của thị xã đã xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp, nhắc nhở 5 trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không đăng ký, không có giấy phép theo quy định, không thu gom, xử lý bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi trồng thủy sản… Ngoài 2 xã Hoàng Quế, Hồng Thái Tây, các xã, phường khác trên địa bàn thị xã đang tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân chấp hành nghiêm cam kết đã ký không nuôi tôm nước lợ. Thị xã đề nghị ngành Điện lực tạm ngừng cấp điện 3 pha đối với các hộ cố tình vi phạm không thực hiện cam kết dừng nuôi tôm tự phát theo đúng lộ trình vào cuối năm nay.