Tại cuộc họp, trên cơ sở trao đổi, phản ánh tình hình, các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ người dân như: cần có công bố chỉ dẫn địa lý an toàn dưới 20 hải lý cho bà con ngư dân yên dân sản xuất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển; hỗ trợ theo lao động đi biển chứ không nên theo số lượng đầu thuyền; có chính sách hỗ trợ cho tàu đánh bắt xa bờ lẫn gần bờ cũng như những người chịu tác động gián tiếp của việc cá chết; giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng lâu dài.
Nhiều đại biểu đề nghị các ngân hàng có chính sách giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi vay cho ngư dân; hỗ trợ cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển...
Phát biểu tại buổi họp ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đánh giá cao sự chủ động vào cuộc, phát huy tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, sở, ngành liên quan tiến hành xử lý thu gom, xử lý chôn lấp cá chết kịp thời; động viên, hỗ trợ nhân dân ổn định tư tưởng và đời sống, nhất là ở vùng biển bãi ngang.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quan trắc kiểm tra môi trường ven bờ, cửa sông, cửa biển để theo dõi hiện tượng nhiễm độc ở biển; xem xét và rà soát, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Sở Y tế cần kiểm tra, khuyến cáo người dân về tình hình an toàn hải sản trong thời gian tới; thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh hỗ trợ cho người dân vùng biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê đầy đủ thiệt hại, lên phương án thống nhất Sở Tài chính đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Chính phủ để hỗ trợ người dân kịp thời. Sở Công Thương cần vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu mua cá cho ngư dân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần tăng cường hỗ trợ thông qua các phong trào đóng góp ủng hộ ngư dân vùng biển vượt qua khó khăn…/.