Như mọi năm, thời điểm này những hộ dân nuôi tôm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã xuống giống cho vụ mùa nuôi tôm chính năm 2023. Thế nhưng, nguồn nước từ nhánh sông Sa Lung, sông Bến Hải cung cấp nguồn nước cho các hồ nuôi có dấu hiệu ô nhiễm, các chỉ số độc hại đều tăng cao.
Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng, nước sông có nhiều màu khác nhau, bốc mùi hôi thối và nổi bọt khí. Nguyên nhân theo người dân phản ánh có thể là tình trạng xả thải của các trang trại chăn nuôi gia súc và những nhà máy chế biến mủ cao su ở đầu nguồn đổ về.
Vùng trọng điểm nuôi tôm của huyện Vĩnh Linh ở các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm có tổng diện tích khoảng 250ha nuôi tôm (trong tổng số 315ha toàn huyện) không thể bơm nước vào ao nuôi để thả giống khi nguồn nước có nhiều bất thường.
Hàng loạt hồ đã được xử lý nhưng nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng nên nhiều hộ nuôi tôm vẫn chờ nguồn nước từ các dòng sông được cải thiện.
Nhiều hộ nuôi tôm vẫn không dám dẫn nước vào hồ nuôi
Để kịp thời vụ nuôi tôm, trước khi mùa mưa bão đến (từ tháng 9 hàng năm), nguồn nước vẫn cung cấp vào hệ thống kênh dẫn. Tuy vậy, nhiều hộ nuôi tôm vẫn không dám dẫn nước vào hồ nuôi.
Tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, nuôi tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã với hơn 166ha. Mỗi năm người dân nuôi từ 2-3 vụ, chủ yếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mang lại doanh thu bình quân 60-70 tỷ đồng năm. Tuy nhiên, nguồn nước ô nhiễm đã khiến người dân luôn đối diện với nhiều rủi ro, thua lỗ.
Nhiều trạm bơm đã phải tạm dừng khi nguồn nước, đặc biệt từ nguồn sông Sa Lung khi nơi đây được người dân phát hiện ô nhiễm nặng hơn cả. Để kịp thời vụ, nhiều hộ dân đã sử dụng nguồn nước khi thủy triều lên nhằm giảm thiểu bớt ô nhiễm. Tuy nhiên, vẫn phải sử dụng biện pháp lắng lọc, xử lý trước khi đưa vào hồ nuôi.
Theo những hộ nuôi tôm, dù xử lý kĩ nhưng vẫn lo lắng khi nguồn nước không được đảm bảo. Trong ảnh là một lượng kim loại nặng kết tủa lại trong quá trình xử lý nguồn nước.
Hộ nuôi tôm không có hồ, bể để xử lý đành bơm trực tiếp vào hồ rồi xử lý dần
Nhiều hộ nuôi tôm không có hồ, bể để xử lý đành bơm trực tiếp vào hồ rồi xử lý dần. Quy trình này kéo dài 20-30 ngày. Tuy nhiên, nhiều hồ vẫn nổi váng bẩn khi dẫn nguồn nước từ sông Sa Lung vào.
Để kịp vụ nuôi tôm, ngoài việc xử lý bằng các loại dung dịch khác nhau thì người dân vẫn phải sử dụng biện pháp thủ công để vớt những váng bẩn tránh sự phát triển của các loại tảo gây hại.
Dù đã xử lý nhiều lần nhưng những chất bẩn, ô nhiễm vẫn nổi, kết tủa lại trên mặt nước được người dân vớt lên. Đáng lẽ thời điểm này đã xuống giống tôm vào hồ nhưng nguồn nước ô nhiễm chưa được xử lý nên nhiều người sửa chữa lại máy móc để khỏi sốt ruột. Bởi chỉ cần chậm vụ nuôi, nguồn thu sẽ bị sụt giảm.
Trước đây, người dân chỉ cần bơm nước từ dòng sông Sa Lung và sông Bến Hải vào hồ và xử lý đơn giản. Thế nhưng, những năm gần đây, nguồn nước sông xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân phải đưa nguồn nước đi thử nghiệm trước khi xuống giống tôm.