Sẽ truy xuất nguồn gốc chất cấm trong cá điêu hồng đến cùng?
Nguy cơ bị nhiễm chéo chất cấm
Theo tìm hiểu của PV Báo Điện tử Infonet, số cá bị phát hiện nhiễm chất trifuralin được Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản TP.HCM phát hiện từ hồi trước và sau Tết Nguyên đán 2012 tại chờ đầu mối Bình Điền. Sau đó, Chi cục đã gửi công văn xuống Chi cục Thủy sản Tiền Giang và Đồng Tháp đề nghị truy xuất nguồn cá.
Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc cá đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Riêng, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp đã bó tay khi đưa ra thông báo không tìm thấy nguồn gốc cá ở đâu do thương lái thu gom từ hàng trăm hộ dân khác nhau mang về bán.
Ông Nguyễn Như Pho, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần EWOS Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay việc cá điêu hồng nhiễm chất này là vô cùng hiếm gặp. Bởi trifuralin là thuốc diệt cỏ, chủ yếu được người nuôi trồng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất giống tôm sú nhằm phòng trị bệnh nấm sợi trên ấu trùng tôm. Các loại thuốc thú y thuỷ sản tại Việt Nam có chứa Trifluralin như: Olan, Kick-Zoo, JL Zoo… Các thuốc này chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan.
“Song đến cuối năm 2011, Việt Nam đã cấm chất này, các cơ quan chức năng đã có văn bản và thông báo rộng rãi nên theo tôi người dân đều nắm được và chẳng ai dại gì lại làm liều”, ông Pho nhấn mạnh.
Ông Pho cho biết thêm, không loại trừ khả năng số cá này bị nhiễm trifluralin từ tôm. Bởi ở một số vùng nuôi tôm thì việc kết hợp nuôi cá điêu hồng xen canh với tôm sú vào mùa nước ngọt được ưa chuộng. Tuy không dùng chất cấm này nữa nhưng lượng tồn dư hóa chất trong ao không được xử lí triệt để nên khi thả nuôi lại chất này đã nhiễm vào cá.
Tương tự, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt cũng nhận định, xảy ra tình trạng này là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Thực chất, trifluralin đã được Bộ NN&PTNT quy định cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Còn trong bảo vệ thực vật vẫn được cho phép sử dụng để trừ cỏ, có thể sử dụng để phun lúa. Có nghĩa là chất này sẽ thải trực tiếp ra ngoài môi trường nước. Cuối cùng là con cá lãnh đủ bởi nước sông “bệnh” thì cá trong ao không thể không “bệnh”.
Sẽ truy xuất đến cùng?
Để làm rõ việc này, PV đã liên lạc với Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền thì được biết, từ khi sự việc xảy ra, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nông lâm thủy sản TP.HCM đã tăng cường cán bộ mỗi đêm đến chợ để thay nhau kiểm tra sản phẩm, nếu nghi ngờ sẽ lấy mẫu đi phân tích ngay lập tức. Trong thời gian tới, TP.HCM cũng sẽ triển khai chuỗi thực phẩm an toàn nhằm kiên quyết xử lí các hành vi tạo ra sản phẩm kém chất lượng để trấn an người tiêu dùng.
Trao đổi với PV ngày 17/4, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện tại Tổng cục đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục truy xuất nguồn gốc chất cấm. Nếu chất cấm quá mức độ cho phép thì sẽ tiến hành xử phạt theo Nghị định 31/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Sau đó, buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản có chất gây nguy hại đến sức khỏe con người.
Nói về mức độ nguy hại của trifluralin đối với sức khỏe người tiêu dùng, ông Điền cho hay, chất này có hàm lượng bao nhiêu thì tác hại tới con người đến nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Song, người tiêu dùng không nên quá hoang mang, bởi thông thường, trifluralin chỉ được sử dụng để trị bệnh trong quá trình nuôi cá còn nhỏ, trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày chất này sẽ bị phân hủy và đến khi thu hoạch hầu như dư lượng kháng sinh không còn độc hại.
Phát hiện 8 mẫu cá tra nhiễm chất cấm
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong quý I/2012, Cục đã lấy và phát hiện 8/310 mẫu cá tra có nhiễm chất cấm. Trong đó, chủ yếu là những chất cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong thủy sản như enrofloxacin và ciprofloxacin. Theo báo cáo, người nuôi đều không thu hoạch khi còn dư lượng chất độc hại. Nguyên nhân nhiễm chủ yếu do chủ cơ sở sử dụng để trị bệnh trong quá trình nuôi.