Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến
Khuyến cáo người dân thiết kế lại hệ thống công trình ao nuôi như: Phải có hệ thống ao lắng (chiếm 30 - 40% tổng diện tích nuôi), để chủ động trong khâu cấp nước, có thể nuôi cá rô phi, cá đối mục... trong ao lắng để cải thiện chất lượng nước. Trước khi lấy vào ao nuôi phải diệt khuẩn bằng Iodine hoặc BKC trước 3 - 4 ngày).
Thiết kế lại hệ thống ao ương nhằm chủ động ương tôm, cua trước khi thả vào hệ thống ao nuôi (diện tích ao ương chiếm 5 - 15% tổng diện tích ao nuôi), ao ương giúp con giống thả nuôi có kích cỡ lớn, tăng khả năng chống chịu với bệnh tật và địch thủ gây hại, tăng tỷ lệ sống, kiểm soát mật độ đảm bảo hợp lý (đối với hình thức nuôi thu tỉa thả bù).
Thiết kế hệ thống ao nuôi: Nên thiết kế nhỏ lại (từ 5.000 - 8.000 m2) để dễ dàng trong quản lý môi trường, phải đảm bảo được mực nước tối thiểu là 0,7 m trên trảng và 1,5 m đối với dưới mương, bờ bao phải từ 3 - 4 m để đảm bảo tránh rò rỉ nước.
Tùy theo điều kiện thực tế từng nông hộ có thể bố trí một trong hai mô hình sau: hình thức nuôi thu tỉa thả bù thả mật độ 7 con/m2 chia làm ba đợt (đợt 1 : 3 con/m2, 2 đợt còn lại 3 con/m2) hoặc nuôi thả một lần thu hoạch dứt điểm nâng cao mật độ nuôi từ 5 - 7 con/m2, áp dụng quy trình nuôi sử dụng vi sinh, vôi, khoáng và vi sinh định lần 7 - 10 ngày/lần. Bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm sau 30 ngày thả nuôi.
Mô hình nuôi tôm sú thâm canh
Áp dụng hình thức nuôi ương sang (Nuôi tôm sú thâm canh hai giai đoạn) để giảm tối đa chi phí cải tạo và quản lý ao nuôi trong 2 tháng đầu, đặc biệt là hạn chế tối đa sự phân đàn của tôm sú. Có thể thả ương với mật độ 30 - 40 con/m2 đối với ao đất hoặc 50 - 70 con/m2 đối với ao trải bạt có hệ thống ôxy đáy. Chú ý đảm bảo hệ thống quạt nước, ôxy đáy để cung cấp đủ ôxy. Sau 60 ngày thả nuôi thì tiến hành sang nuôi giai đoạn 2 với mật độ 10 - 15 con/m2 và 20 - 30 con/m2 đối với ao trải bạt có hệ thống ôxy đáy kết hợp thả cá rô phi đơn tính với mật độ 50 con/1.000 m2.
Phải có ao ương, ao lắng, ao xả thải, đặc biệt là ao lắng sinh thái phải kết hợp thả cá rô phi để cải thiện chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi.
Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh
+ Nuôi tôm thẻ thâm canh kết hợp với tôm càng xanh toàn đực ở vùng nuôi tôm có độ mặn từ 5 - 7‰: Có thể nuôi ghép 2 vụ tôm thẻ 1 vụ tôm càng xanh toàn đực. Sau khi cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật thì tiến hành thả tôm thẻ với mật độ 80 - 100 con/m2, kết hợp với tôm càng xanh mật độ 5 - 10 con/m2. Sau 80 - 90 ngày, thả nuôi khi tôm thẻ đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch bằng lưới kéo. Tôm càng xanh sau khi kéo lên sẽ được bẻ càng và đưa lại hệ thống ao nuôi với tôm thẻ chân trắng (mật độ tôm thẻ thả lần 2 là 100 con/m2, tôm càng xanh là 3 - 7 con/m2). Lưu ý, ở giai đoạn sau này thì ngoài thức ăn công nghiệp của tôm thẻ cần sử dụng thêm khoai mỳ, xác dừa khô để cung cấp thêm thức ăn cho tôm càng xanh với liều lượng 2 - 3% trọng lượng thân/ngày.
+ Sử dụng nước nuôi cá kèo để nuôi tôm thẻ thâm canh: Ao nuôi cá kèo sau khi thu hoạch thì tiến hành diệt khuẩn bằng Iodine hoặc BKC sau đó cấp nước này vào ao nuôi tôm thẻ thâm canh.
+ Nuôi tôm thẻ thâm canh: Có 3 hình thức chính: Nuôi tôm thẻ thâm canh trong ao đất, trong ao trải bạt, trong ao đất trải lưới cước. Trong đó, nuôi trong ao đất có tỷ lệ thành công thấp hơn do: Tôm thẻ nuôi mật độ cao (trên 100 con/m2) thì sẽ làm cho nước đục, nhiều phù sa dẫn đến ôxy hòa tan thấp, kéo theo sự phát triển quá ngưỡng của khí độc (đặc biệt là hàm lượng NO2 cao, làm cho tôm giảm sức đề kháng).
Vì vậy, đối với hình thức nuôi này để tăng tỷ lệ thành công cao, cần bố trí hệ thống ôxy đáy, quạt nước đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan phải trên 7 ppm, đặc biệt cần thiết kế hệ thống xi phông ở giữa ao để hàng ngày xi phông ra ao xả thải 1 lần. Đối với mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh có trải bạt và lưới cước thì có thể nuôi với mật độ cao (khoảng 200 con/m2).
Cần tuân thủ khuyến cáo của các nhà khoa học theo hướng “ba không và ba có”:
+ Đối với 3 không:
* Không dùng thuốc diệt giáp xác, cá tạp, ốc, rong, tảo, trong ao nuôi bằng thuốc bảo vệ thực vật.
* Không thả giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra chất lượng và xét nghiệm.
* Không xả nước, bùn trong ao trực tiếp ra bên ngoài khi chưa được xử lý.
+ Đối với “ba có”:
* Phải có ao lắng và xử lý nước, bùn thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài.
* Phải áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), ACS...
* Phải tham gia thành viên của các câu lạc bộ, tổ đoàn kết sản xuất, HTX, hiệp hội để hỗ trợ nhau, không sản xuất đơn lẻ.