Có một thực tế là, Việt Nam có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, giá trị kinh tế cao, nhưng phần lớn ngư dân vẫn chưa thể giàu lên từ biển. Bởi lẽ, nghề cá ở nước ta có quy mô nhỏ, trình độ ngư dân thấp, trang thiết bị trên tàu lạc hậu. Lao động nghề biển hầu hết chưa qua đào tạo, làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm theo cách “cha truyền con nối”...; ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nên việc ra khơi khai thác thủy sản mang nhiều rủi ro, hiệu quả thấp.
Việt Nam đang xây dựng, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế- xã hội vùng biển, hải đảo, gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, với mục tiêu cải thiện đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước vào năm 2020. Để đạt mục tiêu đó, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế biển nói chung và hỗ trợ ngư dân nói riêng.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, kể cả hợp tác quốc tế trong đào tạo ngư dân (như việc Nhật Bản hỗ trợ ngư dân Bình Định, Phú Yên khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương), ngư dân Quảng Ngãi sẽ không khó để tiếp cận với cách khai thác mới, theo hướng phát triển bền vững.
Để ngư dân nắm bắt các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật của các nước trong khu vực về khai thác hải sản trên biển, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định khi ra khơi, như bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình; không xâm phạm vùng biển nước ngoài...
Rõ ràng, để sinh kế của gia đình ngư dân ổn định và góp phần phát triển nghề cá bền vững, mỗi ngư dân phải thay đổi suy nghĩ và hành động mỗi khi ra khơi hành nghề.