Quê Hà Tĩnh, theo cha mẹ vào Nam lập nghiệp năm 4 tuổi. Kinh tế gia đình gặp khó khăn, học hết lớp 9 Nguyễn Văn Thuyết rời ghế nhà trường để sửa xe đạp kiếm sống. Một năm sau được bạn bè động viên, anh thi vào sư phạm rồi trở thành giáo viên thể dục của Trường tiểu học Phong Phú A của huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Hàng ngày, sau giờ dạy, Thuyết tiếp tục bám lấy lề đường sửa xe để tăng thêm thu nhập.
Những lúc vắng khách, Thuyết thấy rất nhiều rắn mối chui ra từ đám cỏ ven đường. Thế là anh tìm cách bắt cho bằng được loài bò sát có chân để cải thiện bữa ăn. Lúc đầu Thuyết nướng, sau đó lột da hấp xé thịt trộn gỏi rồi đến nấu cháo, xào sa tế… và thấy món nào chế biến từ rắn mối cũng ngon. Từ đây, suy nghĩ làm giàu từ nghề nuôi rắn mối bán cho nhà hàng, quán nhậu lóe lên. Năm 2008, Thuyết bỏ ra 150.000 đồng trả công cho vài thiếu niên trong xóm giúp anh săn hàng chục con rắn mối mang về nuôi bằng thức ăn chủ yếu là cào cào, dế chũi.
Hai năm sau đàn rắn mối của Thuyết tăng trưởng lên hàng nghìn con. Lúc này anh chuyển công tác về Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, đàn rắn cũng di cư dần về trang trại cuối đường Nguyễn Thị Định trong khu địa ốc thành phố Bạc Liêu. Thời gian này Thuyết vừa cho tăng đàn, vừa bắt rắn trưởng thành bán lẻ cho nhà hàng, quán nhậu ở miền Tây với giá trên 500.000 đồng một kg. Kinh tế gia đình ổn định, Thuyết khăn gói sang Quãng Châu (Trung Quốc) làm nghiên cứu sinh và trở về nước với bằng thạc sĩ khoa học thể dục thể thao loại giỏi.
Chuồng nuôi rắn mối đơn giản của anh Thuyết. Ảnh: Duy Khang
Vừa dạy vừa làm kinh tế gia đình trong điều kiện đất đai hạn hẹp. Vì vậy, không chỉ rắn mối mà Thuyết còn nghiên cứu cách nuôi heo rừng, nhím, bồ câu, lươn, dế... Trong khuôn viên rộng hơn 1.000 m2, chủ trang trại 35 tuổi dành một nửa để nuôi rắn mối với hàng nghìn viên gạch ống chất cao 6 lớp. Cạnh đó là hồ thủy tạ nhỏ gọn, xung quanh hồ được trồng rau lang, rau muống để tạo môi trường tự nhiên. Trên tường rào khoảng 1m, anh Thuyết xây viền bằng gạch men có độ trơn cao để rắn không thoát được ra ngoài.
Theo anh Thuyết, dùng gạch ống cho rắn mối trú thân và sinh sản sẽ rất tiện cho việc vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Gạch ống hút nước nhanh, tạo không gian khô thoáng, giúp bò sát ít bị bệnh. Hôm nào rắn lười ăn vì "trái gió trở trời", anh Thuyết ra đồng săn dế "đãi" lũ bò sát. Ăn xong rắn khỏe mạnh nhanh, Thuyết nhận định vài bộ phận trong cơ thể dế có sức đề kháng tốt. Vậy là chủ trang trại cho dế sinh trưởng đại trà trong các thùng xốp để làm “mồi” cho rắn và bán ra thị trường với giá 150.000 đồng một kg.
Không chỉ có dế, cá lòng tong và tép chấu, anh Thuyết còn nghiên cứu cách nuôi sâu bọ để thức ăn của rắn mối thêm phong phú, có nhiều dinh dưỡng và sức đề kháng chống bệnh hiệu quả. Từ những con sâu mua về cho rắn ăn còn dư, anh Thuyết nuôi thành bọ cánh cứng. Chính những con bọ này đẻ ra trứng rồi Thuyết mang trứng bỏ vào các khai nhựa chứa cám hỗn hợp với trái cây, vỏ thơm (khóm) phế phẩm xin được ở chợ gần nhà.
Cạnh "lâu đài" gạch ống dành cho rắn mối, anh Thuyết trồng vài cây xung quanh và trồng rau lang, rau muống để tạo môi trường tự nhiên cho loài bò sát trú ngụ. Ảnh: Duy Khang
"Hiện nay sâu bọ trong trại của tôi không chỉ dùng làm thức ăn cho rắn mối mà còn bán ra ngoài với giá 180.000 đồng một kg. Tới đây tôi mở rộng trang trại, tăng đàn rắn, dế và sâu bọ để thu hút khách du lịch đến tham quan miễn phí", anh Thuyết tiết lộ kế hoạch.
Không giấu kinh nghiệm, hàng ngày Thuyết lên website của mình để chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các bạn trẻ quan tâm đến nghề nuôi rắn mối và các loại côn trùng. Với số lượng rắn mối dao động từ 50.000-70.000 con, mỗi tháng anh xuất chuồng khoảng 7.000-8.000 cá thể trưởng thành (hơn 200 kg) với giá sỉ 300.000 đồng một kg, thu lãi hơn 50 triệu đồng. Đó là chưa kể Thuyết bán rắn mối giống với giá 15.000 đồng một con và thu nhập thêm từ đàn dế, sâu bọ.