Tôm Việt: Nguyên liệu cung thiếu so với cầu
“Giá tôm Việt Nam những năm 2015-2016 cao hơn so với các nước như Ấn Độ, Indonesia khoảng 30%. Năm 2017, con số này giảm xuống còn khoảng 20%. Những tháng đầu năm nay, giá chênh khoảng 12%”, ông Quang nói.
Ông Quang lý giải rằng giá tôm của Việt Nam cao vì giá thành nuôi cao. Năm 2017, nhờ áp dụng công nghệ trong nuôi tôm nên giá đã giảm hơn so với những năm trước và đã thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Giá nguyên liệu trong nước cao vì cung vẫn còn đang thiếu so với cầu. Để tối đa công suất chế biến nên Minh Phú phải mua nguyên liệu giá cao. Vì vậy, giá tôm Minh Phú mua vẫn cao hơn và dẫn đến nguyên nhân giá tôm Việt vẫn cao hơn các nước trong khu vực.
Doanh thu và lợi nhuận của Minh Phú qua các năm.
Làm thế nào để giá tôm Việt tương đương với thế giới?
Theo ông Quang, giải pháp là khuyến khích người dân nuôi tôm và có lời. Khi họ nuôi nhiều, áp dụng công nghệ thì lượng tôm sẽ nhiều, cung sẽ đủ cầu và giá sẽ giảm.
“Với người nuôi tôm, lời khoảng 30% là họ nuôi mạnh rồi. Năm 2017, sản lượng tôm của Việt Nam đã tăng 20% và năm 2018 vẫn có thể tăng thêm 20% nữa”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, theo vua tôm Minh Phú, nếu năm nay, lượng tôm sản xuất tăng 20% nữa thì nguồn cung cũng chỉ đáp ứng 80% nhu cầu nhà máy. Việc của Minh Phú là làm sao để người nuôi tôm thành công và nuôi nhiều thì giá sẽ tương đồng với thế giới, lúc đó Minh Phú mới có lợi nhuận cao.
Ngoài ra, theo ông, cần khơi thông nguồn tín dụng trong dân. Trong những đợt dịch trước, người dân đã thâm hụt vốn. Giờ cần quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao để nhận được cơ chế ưu đãi của Chính phủ. Hiện tại Chính phủ đầu tư 70% vốn, 30% vốn là của doanh nghiệp.
Khi giá tôm thành phẩm của Minh Phú bán bằng giá của Ấn Độ, Indonesia thì toàn thị trường sẽ về tay Minh Phú. Để làm được sẽ mất thời gian, nhanh thì 5 năm. Thời điểm này là thời điểm vàng của Minh Phú, được Chính phủ quan tâm và ngành tôm dự kiện đạt được mục tiêu 10 tỷ USD.