Nhược điểm lớn nhất của dự án quy hoạch thuỷ lợi này là vẫn tồn tại quá nhiều cống, đập, đê bao, đó là chưa kể đến hàng trăm trạm bơm trên tất cả các tiểu vùng. Trong khi ở Cà Mau do những nét đặc thù riêng, nhiều năm qua và hiện nay, hệ thống đê, cống đã và đang xây dựng trong tỉnh không phát huy được các công năng vốn có, mà phần lớn lại gây ra nhiều hệ quả xấu cho cả sản xuất lẫn đời sống sinh hoạt và đang trở thành vấn đề bức xúc cần sớm giải toả cho vùng nuôi tôm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết: “Hiện tại người dân trên địa bàn huyện rất bức xúc việc Nhà nước xây dựng các cống, đập tiền tỷ nhưng không phát huy tác dụng. Nhiều cống, trạm bơm không thể thi công được vì người dân không đồng tình. Việc xây dựng các cống đập với chức năng giữ ngọt cho diện tích lúa 2 vụ, tuy nhiên diện tích này hiện đang dần bị thu hẹp do nguồn lợi từ con tôm quá lớn”.
Thực tế là tại Cà Mau, những năm qua, các cống, đập, trạm bơm chưa phát huy được hết chức năng. Khi cần tiêu thoát nước chống úng ngập cục bộ vài chục héc-ta ruộng thì cống không thể thoát nước mà phải cần đến bơm tát. Ngược lại, do lệ thuộc nước trời nên khi gặp nắng hạn cần tưới cho lúa hay các loại cây trồng thì nguồn nước hiện hữu dưới kinh, rạch không dùng được, bởi nắng làm sắc phèn mặn.
Nhưng nếu xây dựng hệ thống trạm bơm cố định lớn như dự án đề xuất lại cũng sẽ không giải quyết được gì, vì người dân chưa có tập quán sản xuất đồng loạt, kinh tế tập thể chưa phát triển nên chuyện mạnh ai nấy làm xảy ra thường xuyên. Thực tiễn đã chỉ ra việc khép kín khuôn hộ, liên hộ và nông dân tự dùng máy bơm nhỏ khi cần là hiệu quả hơn hết. Nếu như có được những đội bơm, trạm bơm di động hỗ trợ thêm thì càng tốt. Nhiều ý kiến phản biện cho rằng không nên làm nhiều cống ngăn, mà cứ để nước sông, kinh, rạch được chảy thông thoáng, sẽ có tác dụng tự làm sạch, chỉ quản lý tốt nguồn xả thải đúng chỗ, đúng mùa vụ cho người dân tự do lấy nước dùng theo nhu cầu là tối ưu nhất.
Cần phải thấy rằng dù ở vùng nào, mô hình canh tác tôm hay lúa, nông dân đều đã có đê bao khuôn hộ, liên hộ khá vững chắc, có thể tự xử lý trong mọi tình huống diễn biến thời tiết. Hầu như có rất ít trường hợp cần phải nhờ can thiệp bằng những công trình thuỷ lợi lớn, nên việc khép kín các ô thuỷ lợi, khép tiểu vùng lớn hàng ngàn héc-ta như dự án đề xuất là không thật sự cần thiết. Bởi, dù có khép ô, tiểu vùng thì khi cần “cấp cứu” diện tích nhỏ lẻ vẫn phải cần đến bờ bao khuôn hộ, liên hộ của nông dân, khi đó chuyện khép ô, tiểu vùng lớn ngoài khuôn hộ đã không còn ý nghĩa. Vì thế, thực hiện theo dự án quy hoạch này chỉ làm lãng phí, để rồi mưa nắng theo thời gian, bảo quản, vận hành, duy tu không tốt sẽ gây bồi lắng, xói lở, hỏng hóc.
Riêng lý do khép kín ô thuỷ lợi, khép tiểu vùng bằng hệ thống đê, cống, vững chắc với đầy đủ trạm bơm lớn nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng cho đúng như các kịch bản, thì thật sự chưa cần thiết. Vì các hiện tượng thời tiết cực đoan đó dù có diễn ra, nhưng diễn biến đến hàng chục năm mới đạt độ ngập sâu thêm 2-3 cm, mà cũng chưa chắc sẽ diễn ra đúng các kịch bản. Trong khi nếu đường nước thông thoáng thì mỗi năm lượng phù sa bồi đắp thêm cho đồng ruộng Cà Mau nơi thấp nhất cũng không dưới 3 cm. Nếu dự báo có đúng đi chăng nữa thì hiện nay mỗi năm nông dân đều có bồi trúc đê bao khuôn hộ kiểu “hồn ai nấy giữ” để bảo vệ sản xuất, đến thời điểm ngập như dự báo đó có khi bờ đã cao xa hơn mức ngập dự đoán nhiều lần.
Chuyện tự khép riêng khuôn hộ để bảo vệ, chủ động trong sản xuất từ nhiều năm qua và hiện nay khá vững chắc. Nếu thực hiện khép thêm như dự án đề xuất thì chỉ gây lãng phí và cản trở sản xuất, sinh hoạt của dân, dòng nước càng không thanh sạch, dịch bệnh tôm có nguy cơ nhiều thêm, điều này đã bộc lộ rõ tại Tiểu vùng 17-18 Nam Cà Mau. Đó là chưa kể lượng phù sa nếu không bị đê cống ngăn chặn sẽ là nguồn vật liệu lớn trang trải đều khắp giúp cho nông dân nâng cao mặt ruộng, sên vét, tu bổ bờ bao chống ngập do nước biển dâng tốt hơn./.