Giữa trưa trời nắng đầu tháng 6, ba thanh niên chia làm nhiều hướng chọn các khu vực có hốc đá ở khu vực đầu nguồn sông Trà Bồng (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi), nơi có nhiều tôm tự nhiên trú ngụ để đánh bắt. Gần nửa tháng nay, nhóm này dùng thuốc trừ sâu hiệu Karate 2,5 EC hoặc Fastac 5EC đánh bắt tôm, cá. Đây là loại thuốc trừ sâu chứa nồng độ độc cao, công dụng trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ trĩ, bọ xít thường được bà con nông dân sử dụng bảo vệ cây trồng.
Họ lần lượt lôi những gói thuốc sâu nhỏ, có màu sáng, trong túi nylon đeo bên hông, xé toạc rồi rải vòng tròn xuống dòng nước trong vắt đang chảy về nhánh sông Giang ở xã Trà Tân, huyện Trà Bồng. Mùi thuốc bốc lên nồng nặc, khó thở giữa tiết trời oi nồng. Nước sông bỗng chốc chuyển từ màu trong xanh sang màu trắng sữa đục ngầu.
"Chỉ cần 5 phút là tôm trong các hốc đá nổ mắt chết, phơi trắng bụng trên mặt nước tha hồ mà vớt", nam thanh niên 22 tuổi tên Hân hồ hởi nói.
Không lâu sau câu khẳng định của Hân, vài con tôm vùng vẫy trên mặt nước như bị điện giật. Xung quanh, nhiều con khác to bằng ngón út người lớn đờ đẫn nổi lên mặt nước, dạt rải rác vào hai bên bờ. Nhóm thanh niên nhảy ùm xuống, dùng vợt vớt lấy vớt để trong phạm vi khoảng 30 m2.
Thành, người trong nhóm cho biết, mỗi lần đi bắt tôm chỉ cần ghé vào các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mua khoảng 10 gói thuốc sâu Karate 2,5 EC với giá 3.000 đồng/gói. Nhóm này là "đội quân lưu động", đánh bắt hết dòng sông này đến sòng sông khác trên địa bàn tỉnh khoảng 4 lần mỗi tuần. Trung bình một lần họ thu về gần 10 kg, hôm nhiều nhất được đến 15 kg. "Mang ra các chợ bán cũng được từ 150.000 đến 170.000 đồng mỗi kg", Thành nói.
Dòng sông trong vắt chuyển sang màu trắng sữa, bốc mùi nồng nặc của thuốc trừ sâu .Ảnh: Trí Tín.
Ông Hồ Việt Tùng, Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết, trước đây ở địa phương có việc đánh bắt cá bằng kích điện nhưng thời gian gần đây nhận được phản ánh một số thanh niên lạ mặt đánh bắt tôm, cá bằng thuốc trừ sâu. Nhiều người không biết, tưởng tôm được bắt bằng lưới hoặc kích điện nên mua về nấu ăn cho gia đình.
"Chúng tôi cũng cho lực lượng mai phục nhưng chưa bắt được các thanh niên này. Nếu kéo dài tình trạng, dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng gây tổn hại đến sức khỏe cho người lẫn gia súc, gia cầm sống dọc hai bên bờ", ông Tùng lo lắng.
Trao đổi với VnExpress ông Võ Duy Loan, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi khẳng định hành vi rải thuốc trừ sâu xuống sông là vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sử dụng sai mục đích gây hủy hoại môi trường.
Theo ông Loan, tôm thuộc loài máu trắng, sức đề kháng yếu nên khi chỉ cần 5 phút sau khi ngấm thuốc trừ sâu thì chết nổi trên mặt nước. Còn cá thuộc nhóm máu đỏ, sức chống chịu mạnh hơn nhưng nếu ngấm độc sẽ khó có khả năng sinh sản. "Không những thế, khi ngấm thuốc này thì các loài thủy sinh khác ở trên sông cũng khó sống nổi", ông Loan lo ngại.
Tôm bị say thuốc nổ mắt dạt vào bờ. Ảnh: Trí Tín.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng An toàn thực phẩm Quảng Ngãi tỏ ra ngạc nhiên, nói rằng lần đầu tiên ông nghe đến cách đánh bắt thủy sản cực kỳ nguy hiểm này. Theo ông, nó trực tiếp đe dọa sức khỏe con người và cần ngăn chặn, xử lý nghiêm. Nếu thuốc trừ sâu độc lực cao ngấm vào tôm, cá mà người dân khi ăn có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Ngoài ra, thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước có thể tàn phá môi trường, gây hại cho gia súc, gia cầm của người dân sống dọc hai bên bờ sông.