Báo cáo do Bộ trưởng Môi trường Australia Mark Butler công bố cho thấy rạn san hô Great Barrier Reef xuống cấp kể từ năm 2009 do hậu quả của các cơn lốc xoáy, lũ lụt, ô nhiễm.
Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn tới toàn bộ điều kiện môi trường của rạn san hô, khiến tình trạng của rạn san hô này chuyển từ cấp độ ôn hòa thành cấp độ xấu. Các hệ sinh thái chính của rạn san hô cũng có xu hướng suy giảm do chất lượng nước kém, thay đổi khí hậu...
Các nhà bảo tồn thiên nhiên cảnh báo Chính phủ Australia cần hành động khẩn cấp, mạnh mẽ hơn để phục hồi rạn san hô Great Barrier Reef. Tuy nhiên, việc phục hồi này có thể phải kéo dài hàng thập kỷ.
Geat Barrier Reef là một trong những di sản thiên nhiên mang tính biểu tượng của đất nước Australia. Một báo cáo của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc ( UNESCO) công bố tháng trước đã nhấn mạnh rằng các rạn san hô tại Australia có thể bị liệt vào danh sách những di sản thiên nhiên thế giới bên bờ vực nguy hiểm, nếu chính phủ nước này không kịp thời bổ sung các biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ trước thời điểm tháng 2/2014./.