Nuôi tôm cả trên đất ở
Dạo 1 vòng quanh thôn Ngãi An thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), bày ra trước mắt chúng tôi là 1 bức tranh miền quê đầy những “mảnh vá” có sắc màu u ám.
Những “mảnh vá” ấy là những ao nuôi tôm tự phát được người dân đào trên đất ruộng, đất vườn và cả trên đất ở để nuôi tôm. Những ao nuôi tôm được lót bạt đen sì nằm xen lẫn trong khu dân cư, nhìn từ xa trông như những “mảnh vá” u ám trên nền xanh của cây cối, vườn tược.
Chị Phương (ở thôn Ngãi An) vừa dùng vợt vớt bọt trong ao nuôi tôm được đào trên đất ở của mình, vừa bộc bạch: “Ao nuôi tôm của gia đình tôi trước đây là đất ở, có sổ đỏ hẳn hoi.
Thấy bà con trong xã đào ao nuôi tôm rầm rộ, nhà mình lại có sẵn đất nên vợ chồng tôi quyết định đào lên, lót bạt vào để nuôi tôm.
Nuôi tôm ở đây không theo lịch thời vụ và mật độ thả nuôi ngành chức năng khuyến cáo, mà mạnh ai nấy làm. Bình thường 1 năm chúng tôi thả nuôi 3 vụ, có người nuôi đến 4 vụ. Ban đầu tưởng ngon ăn, đến khi nuôi rồi mới thấy rủi ro bủa vây, được ít thua nhiều”.
Kể xong câu chuyện của mình, chị vợ của anh Phương chỉ tay sang bên kia đường, nói tiếp: “Tất cả những ao nuôi tôm nên này đường trước đây là đất ở hết, còn các ao nuôi bên kia đường trước đây là đất ruộng”.
Xem ra nạn đào ao trên đất ruộng, đất ở ở đây chưa dừng lại, bởi chúng tôi nhìn thấy trên những vùng đất nông nghiệp những chiếc xe múc to đùng vẫn đang đứng chễm chuệ để sẵn sàng móc đất lên làm ao nuôi tôm.
Ao nuôi tôm mọc lên dày đặc trên đất vườn ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Không chỉ ở thôn Ngãi An, nạn nuôi tôm trái phép còn nở rộ tại các địa phương khác của xã Cát Khánh như ở các thôn An Quang Đông, An Quang Tây. Nuôi tôm tự phát càng lan rộng thì diện tích đất ruộng, đất vườn ở địa phương này càng bị thu hẹp.
Không gian yên bình của vùng quê Cát Khánh đã bị tiếng máy sục khí tại các ao nuôi tôm hoạt động cả ngày lẫn đêm phá tan.
Ông Trần Bá Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, thừa nhận: Từ nhiều năm nay, người dân địa phương đổ xô đào ao trong vườn nhà, trên đất trồng lúa để nuôi tôm, tình trạng này rộ hơn trong 2 năm gần đây.
Hiện trên địa bàn xã Cát Khánh có gần 30 hộ đào ao nuôi tôm trái phép kiểu này. Chính quyền địa phương đã can thiệp bằng cách cử cán bộ xuống tuyên truyền rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, là việc làm trái phép, nhưng người dân không nghe.
Để “qua mặt” chính quyền địa phương, người dân chỉ cho xe múc đào ao vào ban đêm nên chính quyền rất khó khăn để ngăn chặn. Đến khi chính quyền phát hiện thì “chuyện đã rồi”, ao đã đào xong, bảo lấp thì người dân không lấp.
“Việc làm ao nuôi tôm trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp không chỉ sai phạm về mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường.
Bởi nuôi tôm ở đây hầu hết không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, mà xả thẳng ra môi trường. Hiện chúng tôi đang thống kê cụ thể số hộ, diện tích ao nuôi để báo cáo lãnh đạo huyện xin hướng xử lý”, ông Đăng khẳng định.
Xả thải thẳng ra biển
Đáng quan ngại là có 1 số ao nuôi tôm nằm cạnh bãi tắm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) đặt ống nhựa nối vào ao nuôi để xả thải thẳng ra biển, khiến người dân ở đây và du khách mất đi lạc thú tắm biển.
Đi dọc bãi biển Đề Gi, chúng tôi nhận thấy bãi cát bị đào bới nham nhở, hình thành những hố sâu. Trong đó có 4 cái hố cát được đào rất sâu, trong lòng hố cát là một ống nhựa lớn được nối từ hồ nuôi tôm ra. Nước thải trong các ao nuôi tôm đen sì, nồng nặc mùi hôi thối theo đường ống này chảy ra các hố cát, rồi chảy thẳng ra biển.
Bãi biển Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) bị băm nát bởi những hố xả nước thải từ các ao nuôi tôm. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Điều đáng ngạc nhiên là những ống nhựa “hủy hoại môi trường” này được lắp đặt lộ liễu, rất dễ nhìn thấy, nhưng không hiểu sao trong thời gian dài chúng vẫn được “bình yên” trên bãi biển mà không bị chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Một lãnh đạo UBND xã Cát Khánh cho biết các hộ nuôi tôm ở khu vực bãi tắm Đề Gi đều là tự phát. Họ có đơn xin làm ao nuôi tôm, nhưng chính quyền địa phương không cho phép, do khu vực này nằm trong dự án đường ven biển (đường ĐT 639) đoạn Cát Tiến – Đề Gi bag bởi lo ngại hoạt động nuôi tôm ở đây sẽ không đảm bảo môi trường, trong khi bãi biển Đề Gi là 1 địa chỉ mà khách tham quan thường tìm đến.
Theo Phòng TN - MT huyện Phù Cát, những năm gần đây, ngành chức năng phát hiện có nhiều hộ nuôi tôm trái phép trên địa bàn xã Cát Khánh, những hộ này đã bị xử phạt do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí ngành chức năng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm tình trạng này, vẫn còn nhiều hộ dân lén lút đào ao nuôi tôm trái phép.