Tôm sú (Penaeus monodon) là loài mang lại giá trị kinh tế cao và được nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 24/9/2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 705.209 ha, trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 606.661 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 504.413 tấn, trong đó, sản lượng tôm sú là 181.585 tấn. Tuy nhiên, trong những năm qua, do biến đổi khí hậu, quá trình xâm nhập mặn dẫn đến nghề nuôi tôm sú gặp rất nhiều khó khăn, con giống có chất lượng kém, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Một số bệnh phổ biến trên tôm sú như bệnh đốm trắng WSSV, bệnh đầu vàng YHV, bệnh do vi bào tử trùng EHP, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do Vibrio parahaemolyticus, bệnh phát sáng do V. harveyi. Bệnh phát sáng được tìm thấy trên ấu trùng, hậu ấu trùng tôm sú và gây thiệt hại đến kinh tế và nghề nuôi tôm của nhiều nước trên thế giới.
Khi nhận thấy dấu hiệu bệnh thì hầu hết hộ nuôi sử dụng hóa chất và kháng sinh để điều trị bệnh, liều lượng không hợp lí dẫn đến một số dòng vi khuẩn kháng thuốc làm giảm hiệu quả sử dụng, tồn dư trong môi trường và thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bổ sung dịch chiết từ thảo dược là một trong những biện pháp được nhiều nhà khoa học nghiên cứu do tính an toàn sinh học cao, vừa có khả năng phòng trị bệnh và ít ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng rong biển rất lớn, chúng có vai trò như nguồn lương thực, thức ăn cho gia súc, phân bón và nguồn dược liệu (SánchezMachado et al., 2004). Trong đó, rong nâu được xác định là nguồn nguyên liệu giàu hoạt chất sinh học với nhiều hoạt tính sinh học cao như chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ, chống bức xạ UV-B, có khả năng làm lành vết thương và tái tạo cấu trúc tế bào, giúp tăng cường miễn dịch (Liu et al., 2012). Cụ thể, fucoidan là chất được ly trích từ rong nâu, có chứa polysaccharides sulfate, có thể giúp tăng cường miễn dịch cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng chống lại virus gây bệnh đốm trắng (WSSV), hay bệnh đỏ thân do vi khuẩn V. alginolyticus.
Rong mơ là loài tảo sống ở biển, rong mọc thành bụi lớn, có màu nâu vàng hoặc nâu ôliu, là loài thuộc ngành rong nâu. Trong y học cổ truyền rong mơ được coi là vị thuốc quý, được ứng dụng rộng rài trong lĩnh vực y học, công nghiệp và thủy sản. Nghiên cứu Trần Trung Giang, 2015 cho rằng hỗn hợp polysaccharide ly trích từ rong mơ S. microcystum có khả năng kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch của tôm thẻ chân trắng khi bổ sung với tỉ lệ 1,0% vào thức ăn . Đồng thời polysaccharide trích ly từ rong mơ S. microcystum được đánh giá là chất có khả năng chống oxy hóa mạnh (Huỳnh Trường Giang và ctv., 2013).
Thử nghiệm được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của hỗn hợp chất chiết từ rong mơ (Sargassum microcystum) bổ sung vào thức ăn cho tôm sú (Penaeus monodon). Tôm được cho ăn với chế độ ăn bổ sung hỗn hợp chất chiết rong mơ S. microcystum ở các hàm lượng khác nhau (0%, 0,5%, 1%, 2% chiết xuất từ rong mơ), cho ăn liên tục trong 30 ngày.
Thí nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio harveyi được tiến hành trong xô nhựa 60 L với 30 con tôm/nghiệm thức.
Kết quả
Tổng số tế bào bạch cầu (THC), số lượng tế bào bạch cầu có hạt (LGC), số lượng tế bào bạch cầu không hạt (HC) và hoạt tính enzyme PO gia tăng đáng kể trong nhóm bổ sung 1% chiết xuất từ rong mơ, tỉ lệ sống cao nhất (80%) được ghi nhận ở nhóm ăn thức ăn bổ sung với nồng độ 1% chất chiết từ rong mơ sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn V. harveyi. Đồng thời, việc cho ăn 1% hỗn hợp chất chiết từ rong mơ S. microcystum có thể tăng khả năng đáp ứng miễn dịch và kháng lại V. harveyi ở tôm sú.
Bệnh phát sáng do V. harveyi gây ra là bệnh phổ biến thường gặp trên cả tôm thẻ và tôm sú, khi tôm nhiễm bệnh sẻ bỏ ăn, chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất của vụ nuôi. Do đó, bổ sung chất chiết chiết rong mơ vào thức ăn tôm để hạn chế bệnh là điều cần thiết. Nghiên cứu mới đã đưa ra một phương pháp mới với việc chỉ thêm 1% chất chiết rong mơ vào thức ăn cho tôm kích thích miễn dịch chống lại mầm bệnh.
Theo Hồng Mộng Huyền , Huỳnh Trường Giang và Trần Thị Tuyết Hoa - Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ