Điểm danh “rồng nước”
Điển hình cho nhóm này là các loài trong họ cá chạch sông (Mastacembelidae), bộ cá chạch sông (Synbranchiformes). Họ này có hai giống, là giống cá chạch lá tre (Macrognathus) và giống cá chạch sông (Mastacembelus). Ở Việt Nam, giống cá chạch lá tre có sáu loài được ghi nhận. Tập tính chung của các loài trong giống này là giấu mình trong bùn đáy, chỉ để hở một phần đầu ra ngoài. Giống cá chạch sông thì có năm loài được ghi nhận. Tập tính lẩn trốn của các loài trong giống này hoàn toàn khác: ban ngày ẩn nấp trong hang hốc, bụi cây... còn ban đêm mới hoạt động.
Trong số các loài cá thuộc hai giống kể trên, loài “hoả long” hay cá chạch lửa bị săn lùng nhiều nhất bởi ngoài giá trị cao về thực phẩm, loài này còn hấp dẫn giới chơi cá cảnh.
Cá chạch lửa có tên khoa học là Mastacembelus erythrotaenia Bleeker, 1850, thuộc giống cá chạch sông. Ở Việt Nam, theo các kết quả nghiên cứu đã công bố, giống cá chạch sông có năm loài là cá chạch lửa; cá chạch bông lớn – Mastacembelus favus (Hora, 1924); cá chạch sông (chạch lấu, chạch bông) – Mastacembelus armatus (Lacépède, 1800); cá chạch chấm Điện Biên – Mastacembelus dienbienensis Hảo & Dực nov. sp.; cá chạch chấu Thác Bà – Mastacembelus thacbaensis Dực, Hảo & Vân nov. sp.
Ở Nam bộ, chỉ tìm thấy ba loài là cá chạch lửa, chạch bông lớn và cá chạch sông. Trong ba loài này thì loài cá chạch bông lớn gặp khá phổ biến, tiếp đến là loài cá chạch sông và cuối cùng là cá chạch lửa với số lượng khá khiêm tốn.Cá chạch lửa chỉ phân bố ở Nam bộ, đặc biệt là hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Cá sinh sống ở trung và thượng nguồn, nơi có dòng chảy vừa tới lớn, thuỷ vực có nền đáy là sỏi hoặc đá nhỏ, nhiều hang hốc, rễ cây và các bụi thực vật thuỷ sinh. Ban ngày chúng thường giấu mình và chỉ ra kiếm ăn vào đêm (loài cá này rất sợ ánh sáng).
Chạch bùn. Ảnh: tư liệu
Ngoài tự nhiên, để có thể sinh sản được, cá phải từ hai tuổi trở lên, tương ứng với kích thước khoảng 300mm. Cá sinh sản vào mùa mưa từ tháng 6 – 11, thời kỳ sinh sản cao nhất là tháng 7 – 9. Chính nhờ những đặc điểm hấp dẫn về ngoại hình mà loài cá này được giới chơi cá cảnh đặt tên “hoả long”. Theo http://www.fishbase.org, kích thước tối đa của loài “hoả long” có thể đạt 1m. Tuy nhiên, kết quả khảo sát kích thước loài cá này khai thác trên sông Sài Gòn – Đồng Nai chỉ trung bình 213,32mm (± 15,42mm). Với kích thước, thì hầu như cá chưa thể sinh sản được.
Giỏi nấp cũng không thoát!
Chạch lửa có thể xem là một trong số các loài cá đặc trưng cho hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai vì khá phổ biến ở đây. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu từ năm 2003 đến nay, chúng tôi nhận thấy số lượng cá chạch lửa trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đã giảm đến mức báo động... Anh Trần Văn Đường, ngụ tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, một ngư dân sống bằng nghề đánh cá, cho biết những năm 1990 – 1999, cá chạch lửa khai thác được rất nhiều: với khoảng 50m câu giăng, trong một đêm có thể khai thác 5 – 7kg cá chạch lửa. Từ năm 2005 đến nay, cá chạch lửa trở nên khó tìm, thỉnh thoảng chỉ gặp một vài con.
Năm 2006, trong đề tài nghiên cứu những biến đổi về đặc điểm sinh học của năm loài cá điển hình của sông Sài Gòn trước và sau khi xây dựng hồ Dầu Tiếng, có loại cá chạch lửa. Tại thời điểm đó, so với các loài khác trong giống cá chạch sông thì việc thu mẫu cá chạch lửa khá khó khăn. Chúng tôi đã phải xin gia hạn đề tài thêm một năm nữa mới thu được đủ số lượng mẫu nghiên cứu. Năm 2012, trong báo cáo kết quả nghiên cứu khu hệ cá ở các vùng nước nội địa khu vực TP.HCM, chúng tôi buộc phải xếp chạch lửa vào nhóm các loài cá có nguy cơ giảm số lượng trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.
Chích điện, hình thức đánh bắt không chỉ tận diệt họ cá chạch mà mọi loài sinh vật dưới nước. Ảnh: Trung Dũng