Một số khái niệm
Tảo là thực vật hạ đẳng, cơ thể chưa phân hóa thành thân, rễ, lá (những thành phần cấu tạo của thực vật bậc cao), chu kỳ sống thường diễn ra trong môi trường nước. Cơ thể tảo có chứa sắc tố quang hợp, nhờ đó nó có khả năng quang tự dưỡng, sử dụng năng lượng mặt trời chuyển hóa chất vô cơ thành đường dạng đơn giản. Tảo có cấu trúc rất đa dạng như đơn bào, tập đoàn hay đa bào và có các hình dạng khác nhau như dạng tế bào đơn lẻ, dạng hạt, dạng bản, dạng sợi hay ống, …
Tảo xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 3,5 tỷ năm. Sản sinh ra cacbon thông qua quá trình quang hợp, tảo đã góp phần cơ bản cho sự phát triển của sự sống trên trái đất. Hiện nay, tảo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm khí thải nhà kính và là nguồn cung cấp chính khí oxy cho bầu khí quyển của trái đất.
Hiện đã xác định khoảng 25.000 loài tảo biển, chia theo các lớp tảo lục, tảo đỏ và tảo nâu. Tảo lục được xem như tổ tiên của các loài thực vật trên cạn, xuất hiện cách đây khoảng 3,5 tỷ năm. Các loài như cải biển (Ulva sp), tảo bẹ (Ulva intestinalis) hay tảo ngón tay (Codium)… là các loài tảo lục phổ biến. Tảo đỏ là nhóm rong biển xuất hiện khoảng 1.200 triệu năm trước, hiện được dùng để chiết tách carragreenan và thạch. Tảo nâu là nhóm rong biển xuất hiện gần đây nhất (khoảng 150-200 triệu năm trước), thường được dùng để chiết tách alginate, fucoidan, laminarin, …
Thành phần cấu tạo của tảo gồm 75% chất hữu cơ (lipid, protid, glucid, vitamin) và 25% là khoáng chất, các nguyên tố vi lượng như iốt, magiê, moliden, fluo, kali… Do đó, tảo có giá trị rất cao đối với sức khỏe và dinh dưỡng của con người.
Ngày 18/06/2013, trong cuộc hội thảo tại Tp HCM với tiêu đề “Sinh khối biển cho dinh dưỡng con người và sức khỏe vật nuôi”, TS. Hervé Demais, Cố vấn khoa học cho công ty thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y Olmix Asia Pacific (Pháp), đã nhấn mạnh: “Tảo là một nhóm sinh vật đa dạng về chủng loài, có nhiều thành phần hóa học, đây thực sự là một kho báu từ biển, một nguồn tài nguyên có nhiều lợi ích nhưng chưa được con người khám phá hết và sử dụng đúng mức”.
Rong sụn
Lịch sử sử dụng tảo biển lâu đời
Thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm từ rong biển (tảo đa bào ở biển) đã trải qua thời kì lịch sử rất lâu dài. Các dấu vết khảo cổ học cho thấy, người Nhật đã dùng rong biển từ hơn 10.000 năm trước. Trong nền văn hoá Trung Quốc cổ đại, rong biển được coi là đặc sản dùng trong các món ăn của triều đình và chỉ hoàng tộc hay khách của hoàng thân, quốc thích mới được thưởng thức. Dù rong biển được coi là món ăn đặc trưng của châu Á, nhưng trên thực tế các quốc gia có bờ biển trên thế giới như Scotland, Ireland, Newzealand, quần đảo nam Thái Bình Dương và các nước Nam Mỹ ven biển cũng đã sử dụng rong biển từ rất lâu.
Tảo cũng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Chúng là nguồn nguyên liệu tự nhiên cho công nghiệp thực phẩm (Cải biển Ulva lactuca, bột rong biển, chất tạo gel E400, E401 Alginate–Agar E406, E407,...), mỹ phẩm (chất tạo kết cấu và hoạt hóa), công nghiệp (Phycocolloids, hydrocolloids tạo độ sánh, gel hoặc chất ổn định), thức ăn gia súc, nông nghiệp ... Thông qua các tài liệu tham khảo trong lịch sử và trong thời gian sử dụng lâu dài, không có nguy cơ gây hại sức khỏe nào được đề cập đến (độc tố hay ecotoxic).
Hiện nay, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước tiêu thụ rong biển thực phẩm lớn nhất và nhu cầu của họ là cơ sở của một nghề NTTS với sản lượng hằng năm trên toàn thế giới khoảng 6 triệu tấn rong tươi, trị giá lên đến 5 tỉ USD. Các nước và lãnh thổ cung cấp tảo thực phẩm chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Các nước cung cấp chính rong biển cho công nghiệp là Đan Mạch, Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha, Mỹ và Nhật.
Các hoạt tính sinh học tiềm tàng từ tảo
Theo TS. Henri Salmon, Giám đốc Viện nghiên cứu Nông nghiệp INRA (Pháp), tảo sống trong môi trường nước, nên chúng hấp thu và rất giàu dưỡng chất, bao gồm các thành phần dinh dưỡng (protein, chất béo, khoáng…) và các thành phần chứa hoạt tính sinh học tiềm năng (polysacharides, peptides và các chất chuyển hóa thứ cấp như polyphenols, steroids…).
Hoạt chất rất quan trọng chiết xuất được từ tảo chính là polysacharide, từ lâu đã được coi là chất chứa hoạt tính sinh học có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là ngành hóa sinh và y dược. Hoạt tính sinh dược học có triển vọng nhất của polysacharide chính là điều tiết miễn dịch và các hiệu quả chống ung thư.
Polysacharide đại diện cho một lớp cấu trúc đa dạng của các đại phân tử phân bố tương đối phổ biến trong tự nhiên. Không giống như protein và nucleic, chúng có cấu trúc lặp đi lặp lại, đó là các polyme của đơn vị monosacharide liên kết với nhau bằng liên kết glycosidic. Phần lớn các polysacharide tìm thấy trong các loại tảo như Galactans (agar- agar và carragreenan), Fucans và Ulvans là những polysacharide sulfat hóa.
Tảo có đặc điểm chung là trơn và dính. Thành phần chính khiến tảo biển trơn là “Fucoidan” – một loại polysaccharide do nhiều mắt xích liên quan đến một loại đường có tên “Fucose” sulfat hóa tạo thành. Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng Fucoidan có trong tảo nâu chính là chìa khóa lý giải bí mật về sự khỏe mạnh và trường thọ mà từ lâu cộng đồng cư dân các vùng biển đảo khắp nơi trên thế giới đã được thụ hưởng khi sử dụng rong biển trong ẩm thực truyền thống và chăm sóc sức khỏe. Fucoidan gần đây được giới y học chú ý và trở thành hợp chất được xem là giá trị nhất của đại dương bởi các khả năng chống ung thư.
Trang trại trồng rong sụn
TS. Henri Salmon cho rằng tảo biển mang lại tiềm năng rất lớn cho sức khỏe con người và vật nuôi nhờ sự độc đáo và đang dạng của các polysacharide. Đây hứa hẹn sẽ là nguồn dinh dưỡng bổ sung cho con người, cung cấp các nguồn protein và khoáng thứ cấp. Bột tảo có thể dùng làm thức ăn trực tiếp cho một số loài thủy sản, hoặc là nguồn protein thay thế bột cá. Thậm chí, với khoáng chất và nguyên tố vi lượng phong phú, tảo có thể là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho đất, cho dinh dưỡng thực vật và sức khỏe cây trồng.
Tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Nghiên cứu phân loại và sinh học rong biển phục vụ nuôi trồng ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ 1960. Hiện nay, việc nghiên cứu phân loại sinh học và nuôi trồng rong biển đã được triển khai ở nhiều cơ quan trong cả nước, trong đó phải kể đến Trường Đại học Nha Trang, Phân viện Vật liệu Nha Trang, Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng, Viện Hải dương học Nha Trang, …
Rong biển có nhiều công dụng thực tế và là bài toán kinh tế giúp người dân miền biển thoát nghèo, nhờ chi phí đầu tư trồng rong tảo thấp, kỹ thuật đơn giản. Kể từ khi du nhập vào nước ta từ năm 1993, một loài rong biển là rong sụn đã tỏ ra thích hợp với khí hậu Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung. Hiện nay trồng rong sụn đã và đang phát triển mạnh ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên và ở nhiều địa phương khác. Tuy vậy, hiện nay sản lượng thu được chủ yếu chỉ dùng để XK dưới dạng rong khô. Trong khi đó chúng ta lại phải NK các chế phẩm như carrageenan để phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước.
Với khoảng 660 loài rong biển đã thống kê được, cùng với điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển nguồn lợi rong biển. Tuy nhiên, cho tới nay Việt Nam chỉ mới khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng này. Nhiều loài rong biển có giá trị còn chưa được sử dụng, nhiều diện tích có thể trồng rong biển chưa được quy hoạch phát triển. Nghề trồng rong cũng chỉ mới tiến hành với rong câu, rong sụn,… ở trình độ rất thấp. Nghề khai thác rong biển chưa có vị trí trong các nghề khai thác hải sản của nước ta. Vì vậy, trước những giá trị về mọi mặt mà rong tảo biển có thể mang lại, đã đến lúc phải cải thiện, thúc đẩy ngành trồng rong tảo nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng XK ra thị trường nước ngoài.