Theo lời ông Đinh Văn Vui - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Suối Tiên, năm 1980, ông mua cá thể rùa này từ một người dân rồi đem nuôi trong khuôn viên của Khu Du lịch. Đến tháng 10/2010, trong một lần đến Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, TPHCM, cán bộ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hiện cá thể rùa nước ngọt này cực kỳ quý hiếm, có tên khoa học là Batagur (Batagur affinis).
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên, Batagur affinis là một loài rùa nước ngọt sống tại khu vực rừng ngập mặn ven sông ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia và vùng Sumatra (Indonesia). Loài rùa này không chỉ có giá trị bảo tồn mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt với người dân Campuchia với tên gọi "Rùa Hoàng gia" bởi chúng từ lâu đã được Quốc vương Campuchia tuyên bố là tài sản của Hoàng gia và nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi săn bắt.
Batagur affinis là một loài rùa từng có số lượng quần thể rất lớn nhưng trước tình trạng bị đánh bắt lấy trứng và thịt quá mức, đến nay chỉ còn một số lượng rất nhỏ còn sống trong tự nhiên. Thậm chí, rùa Batagur còn được coi là đã biến mất hoàn toàn tại Campuchia cho đến năm 2000, khi người ta phát hiện một quần thể nhỏ ở lưu vực sông Sre Ambel, khu bờ biển phía Nam. Năm ngoái, chỉ có ba cái thể rùa cái được xác nhận đã đẻ trứng tại các bãi cát ven sông, đây là một con số ổn định nhưng quá ít ỏi so với quần thể đã từng rất đông đúc này.
Sau gần hai năm nỗ lực liên hệ, với sự hỗ trợ và hợp tác của Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Chi cục Kiểm lâm TPHCM cũng như với Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Campuchia, cá thể rùa quý hiếm trên đã sẵnsàng để được đưa trở về Campuchia.
Cá thể Rùa Hoàng gia khi còn được nuôi tại khu du lịch Suối Tiên
Tại buổi lễ trao tặng cá thể rùa Hoàng gia, đại diện của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia cho biết, trước tiên, "Rùa Hoàng gia" sẽ được chuyển cho Dự án Bảo tồn Rùa Batagur ở lưu vực sông Sre Ambel tại Campuchia. Tại đây, cá thể này sẽ là một đóng góp đáng kể cho chương trình nhân giống nhằm tăng số lượng quần thể rùa Batagur và cũng như để tăng sự đa dạng cho nguồn gen của loài này. Trong chương trình nhân giống này, trứng rùa sẽ được ấp nở trong một môi trường an toàn tuyệt đối, sau đó các con non sẽ được nuôi dưỡng và theo dõi vài năm trước khi thả ra tự nhiên. Bảo vệ các cá thể trưởng thành trong thời kỳ sinh sản cũng như làm tăng số lượng cá thể ngoài tự nhiên từ nguồn gây nuôi chính là những hy vọng duy nhất cho việc bảo tồn loài rùa Batagur trong tự nhiên.