Năm 2018, mưa bão gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng huyện Lý Sơn, đã có gần 30 lồng bè nuôi cá, tôm của người dân bị hư hỏng, cuốn trôi ra biển, thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Chính vì vậy, trước mùa mưa bão năm nay, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai lịch thời vụ, cũng như hướng dẫn chủ 38 lồng bè trên địa bàn huyện chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch cá và đưa tất cả các lồng bè vào khu vực an toàn, trước ngày 30.10. Sau ngày này, nếu người dân vẫn xuống giống vụ mới, hoặc chưa hoàn thành việc thu hoạch cá mà xảy ra rủi ro, thiệt hại, thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết.
Tuy nhiên, hiện vẫn có tình trạng người dân tiếp tục xuống giống thủy sản vụ mới. “Dù biết thả nuôi vụ mới tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, vì đây là thời điểm diễn ra mưa bão, song đây là lứa cá sẽ thu hoạch đúng dịp tết Nguyên đán, nếu may mắn, cá sẽ bán được giá, người nuôi sẽ lãi cao”, ông Bùi Văn Lý, xã An Hải (Lý Sơn) lý giải.
Ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), nhiều hộ dân vẫn tiếp tục thả nuôi thủy sản lồng bè, chủ yếu là khu vực gần cầu Thạnh Đức, dù đây là địa điểm không được UBND tỉnh quy hoạch vùng nuôi thủy sản trên biển.
Hiện khu vực này có hàng trăm lồng bè nuôi cá bớp, tôm hùm, cá mú và hàu. Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã tuyên truyền và cảnh báo những rủi ro, nhưng nhiều hộ dân vẫn tiếp tục thả nuôi, để có cá bán trong dịp Tết!
Những năm qua, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương luôn vận động người dân chấp hành lịch thời vụ, cũng như nuôi thủy sản ven biển trong vùng quy hoạch. Bởi việc nuôi cá lồng bè ngoài vùng quy hoạch không chỉ gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tính mạng người dân, mà còn đe dọa an toàn các công trình, cũng như hoạt động ra vào, neo đậu tránh trú bão của tàu cá trong mùa mưa bão.
Trong khi đó, người nuôi thủy sản lồng bè ven biển thì lại phớt lờ các khuyến cáo cũng như quy định, chấp nhận “đánh cược” với rủi ro. “Chỉ cần trúng một vụ Tết là người nuôi cá lãi lớn. Vậy nên, rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tôi đặt lồng ở chỗ khuất gió, ít bị ảnh hưởng của mưa lũ, nhằm tránh rủi ro, thiệt hại”, ông C.X.N, ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh hy vọng.
Mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có công văn đề nghị chính quyền các địa phương khẩn trương yêu cầu các chủ lồng bè ký cam kết không tổ chức nuôi, cũng như hoàn thành việc thu hoạch cá và thu dọn lồng bè trước mùa mưa bão. Đối với những lồng bè nuôi ngoài vùng quy hoạch, các hộ chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại. Trường hợp xảy ra nguy hiểm, các địa phương tiến hành thực hiện biện pháp cưỡng chế, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.