Theo bà Đào Thị T.- một tiểu thương buôn hàng thủy sản từ chợ đầu mối Tú Đôi (Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng), thì không ai nghĩ con nước này lại nhiều rươi đến thế. Chỉ tính trong ngày 25/11 (2/11 âm lịch ), giá rươi buổi sáng còn gần 300 nghìn đồng/kh, đến trưa giảm xuống 250 nghìn đồng và đến chiều thì giảm thêm mỗi kg vài chục nghìn đồng nữa.
Bà T. ch biết, năm nay vào con nước tháng 9 (âm lịch) trên địa bàn thành phố không có vùng nào rươi nổi như thông lệ các năm trước. Đến đầu tháng 10, chỉ có một vài khu vực vùng lợ thuộc huyện Tiên Lãng rươi nổi, còn các vùng khác thì hầu như không có, giá rươi đầu vụ 350 nghìn đồng/kg đã được xem là khá rẻ. Bởi lẽ, theo trí nhớ của bà T, cách đây hàng chục năm giá rươi đầu vụ đã luôn ở mức trên 500 nghìn đồng/kg, có vụ đến gần 1 triệu đồng/kg.
Và những con nước tiếp theo trong tháng 10 (âm lịch) vừa qua ở tất cả các vùng lợ Hải Phòng hầu như không có rươi, đã không ít chủ đầm chán nảm bởi rươi không nổi thì xem như cả năm thất thu diện tích trúng thầu.
Ông Đào Quang B. – một chủ đầm nước lợ ở xã Kiến Quốc chia sẻ, thông thường rươi nổi khi thời tiết chuyển mùa, theo kinh nghiệm dân gian là “tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm” (tính theo âm lịch) là vụ chính của rươi. “Những ngày rươi nổi, thời tiết rất khác biệt, thường là gió bắc thổi mạnh, trời âm u chuyển sang rét đậm, mưa lâm râm…” – ông B. nói.
Nhưng năm nay thời tiết rất khác, nắng kéo dài, giữa đông mà ai cũng ngỡ mùa hè, gió bắc không đủ rét, thi thoảng có mưa thì lại là mưa rào, nên không mấy ai nghĩ đến chuyện rươi nổi. Nhưng bất ngờ ngay trong dịp con nước mới vắt từ cuối tháng 10 sang đầu tháng 11, thời tiết chỉ chớm rét nhẹ, mà rươi đã đồng loạt nổi ở các vùng lợ lớn dọc theo sông Văn Úc, nhiều nhất là Kiến Thụy và An Lão. Ông Đào Quang B. cho biết thêm, hầu hết các chủ đầm đều chỉ chuẩn bị vỏ thùng xốp và một số dụng cụ khác chứa rươi theo ước lượng, nên năm nay rươi nổi “quá công suất”, thành thử nhiều chủ đầm đành bỏ thu hoạch vì tất cả vật dụng chứa được đều đã sử dụng hết.
Rươi chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ trong các chợ thành phố. Ảnh: anhp.vn
Chỉ trong một vài ngày, hàng chục tấn rươi được đưa ra thị trường, một phần trong đó được các thương lái chuyển đi tỉnh ngoài, còn lại bán lẻ trong các chợ thành phố. Bà T cho biết thêm “Vẫn là lượng rươi ấy, nhưng mua được sớm thì rươi sống dễ bảo quản, bán được giá. Còn mua càng muộn, rươi ươn giá càng lao dốc. “Chiều mồng 2 có chủ đầm gọi tôi giao có 200 nghìn đồng/kg nhưng tôi cũng chịu, vì không bán hết được” – Bà T. bộc bạch.
Bà T. chia sẻ thêm, theo kinh nghiệm truyền thống, xem rươi là đoán được điềm trời, năm nào rươi ít thì tiết trời đẹp nhưng thiên tai bất ngờ lại nhiều, năm nào rươi sẵn thì tiết trời xấu và bệnh tật phát mạnh. Lúc này người nào mắc bệnh hen suyễn, đau lưng, suy thận hoặc có vết thương thì cực kỳ khổ sở, nhất là người tuổi cao. Nhưng lạ thay, nếu gặp triệu chứng ấy cứ mạnh dạn xuất tiền mua vài lạng rươi về, “độc trị độc” là bệnh tiêu tan?
Còn theo bà Nguyễn Thị M. – một tiểu thương khác cũng chuyên buôn hàng từ chợ đầu mối Tú Đôi bán trong nội thành, thì rươi là món không phổ biến trong mỗi bữa ăn, vì giá cao và nguồn cũng chỉ có theo thời vụ. Nhưng có lẽ vì tin rằng ăn rươi có tác dụng chữa bệnh, nên khi rươi giảm giá là có nhiều người mua. Vì vậy, rươi rẻ khiến nhiều loại thủy sản khác giảm giá theo, nhất là những loại đặc sản có giá tương ứng với giá rươi.
Cụ thể như bà M. cho biết, trong mấy ngày qua giá tôm sú giảm chỉ còn 320 nghìn đồng/kg, giá cua ghẹ loại ngon còn 380 nghìn đồng/kg, tôm thẻ còn 180 nghìn đồng/kg, cá trắm đen cắt khúc còn 120 nghìn đồng/kg… tương đương mức giảm bình quân 15%. Tình trạng chung là, giá thủy sản dù giảm nhưng tiêu thụ đều chậm, hơn nữa tại thời điểm này hầu hết các loại thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt lợn, thị gia cầm đều giảm, cá biệt như trứng gia cầm giảm tới 30% chỉ trong một tuần qua, nên người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Trở lại với giống rươi, loại quái sản này có dáng như con rết, cư ngụ dọc theo các bãi bồi từ các cửa sông của Hải Phòng, ăn sâu vào một phần diện tích của các tỉnh lân cận. Bao đời nay được người Hải Phòng coi rươi là nguồn đặc lợi, mà mỗi độ đông về, hương vị ngào ngạt quyến rũ của món chả Rươi toả ra từ bếp nhà ai đó, dẫu chẳng được ăn cũng khiến người qua đường bộn rộn.
Mùi vị chả rươi đặc trưng đến nỗi khó tìm món nào trong danh sách ẩm thực Việt Nam có được, mà không phải miền đất nào và mùa nào cũng có. Ngoài làm chả, rươi còn được chế nhiều món khác như nấu riêu chua cay, kho vùi, mộc… Có nhà còn đổ muối vào ủ trong hũ làm mắm, lúc trái mùa thái vài lát hành khô phi thơm lừng chưng với thịt lạc thì chẳng loại mắm nào sánh được.
Nhìn chung, với sự giảm giá sâu của rươi so với mặt bằng chung các mùa vụ trước, cho thấy thị trường thủy sản nói riêng và thực phẩm tươi sống trên địa bàn thành phố nói chung đang khá dễ chịu, Đây lè tín hiệu đáng mừng, khi chỉ còn gần hai tháng nữa là không khí mua sắm dịp tết Nguyên đán Quý Mão sẽ vào cao trào.