Sá Sùng (Phascolosoma esculenta) thuộc lớp sâu đất (Sipunculoidea) là nhóm động vật biển, sống chui rúc trong bùn cát, con trưởng thành dài khoảng 15 - 25cm, đường kính 1-1,5 cm, màu hồng tím đến hồng trắng nhạt. Sá Sùng có cơ thể hình giun, là loài động vật không xương sống, không phân đốt, phần đầu nhỏ hơn được gọi là vòi, lỗ miệng ở tận cùng vòi, lỗ hậu môn nằm trên mặt lưng gần gốc vòi. Thành cơ thể sá sùng có lớp biểu mô giàu tuyến đa bào ở ngoài cùng và bao cơ gồm 3 lớp: cơ vòng, cơ xiên và cơ dọc. Biểu mô thể xoang lát mật trong giới hạn một thề xoang rộng.
Sá sùng được tìm thấy ở các vùng triều có nền đáy cát hoặc cát bùn. Sá sùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xáo trộn sinh học trầm tích ở các vùng bãi triều, đất ngập nước ven biển. Sá sùng là một trong những tài nguyên biển quý, tương tự như các loài sinh vật có mức độ dinh dưỡng cao như cá, cua, sao biển và hải quỳ.
Ở Việt Nam, sá sùng được biết đến là loài hải sản quý hiếm, có giá trị thương mại lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm và xuất nhập khẩu, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân các địa phương ven biển.
Hiện nay, sá sùng đã được Cục sở hữu trí tuệ xác lập hồ sơ danh mục sản phẩm được chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Tuy nhiên, nguồn lợi sá sùng đang bị suy giảm mạnh bởi các hoạt động khai thác không hợp lý, chặt phá rừng ngập mặn, ô nhiễm môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và biến đổi điều kiện địa hoá sinh thái.
Sá sùng giá trị thương mại lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm và xuất nhập khẩu. Ảnh: vietnam-destinations.com
Hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu về sá sùng, nhưng hầu hết các nghiên cứu tập trung làm sáng tỏ đặc điểm hình thái sinh học, sinh trưởng, phân loại học, ảnh hưởng của biến đổi sinh cảnh và ô nhiễm môi trường đến đời sống của sá sùng, mà chưa có nghiên cứu về đặc điểm địa hóa sinh thái, cũng như nguồn thức ăn và bậc dinh dưỡng của sá sùng. Như theo một đánh giá, sá sùng ở ven biên đảo Quan Lạn, Quảng Ninh sinh sông và phát triển ở những vùng có đặc điếm địa chất môi trường đặc biệt, giàu chất dinh dường, yên tĩnh, ít hợp chất hữu cơ, có Eh 100 - 150mV (môi trường nước) và 80 - 150mV (môi trường trầm tích đáy tầng mặt); pH vào khoảng 7,5 - 8,2.
Ngoài ra, một khảo xác cho thấy các nguồn vật chất hữu cơ chính tại khu vực rừng ngập mặn Đồng Rui gồm lá cây ngập mặn, thực vật phù du và vi tảo bám đáy. Giá trị δ 13C và δ 15N của các nguồn vật chất hữu cơ lần lượt dao động trong các khoảng từ -28,78 đến - 22,21‰ và 3,1 đến 4,5‰.
Trong đó, giá trị δ 13C của lá cây ngập mặn, thực vật phù du và vi tảo bám đáy lần lượt là -28,78‰, -22,21‰ và 23,01‰. Giá trị δ 15N của lá cây ngập mặn, thực vật phù du và vi tảo bám đáy lần lượt là 4,5‰, 3,9 ‰ và 4,1‰ phù hợp cho sa sùng tăng trưởng và phát triển. Sá sùng sống trong môi trường trầm tích có tính khử mạnh, giá trị Eh dao động trong khoảng từ -263,33 mV đến 17,67 mV. Thành phần trầm tích tầng mặt bao gồm cát hạt mịn (>63 μm), bột (4- 63 μm), sét (<4 μm) và có xu hướng giảm dần từ bãi triều vào trong rừng ngập mặn. Hàm lượng trầm tích bột và sét chiếm tỉ lệ cao ở phía trong rừng ngập mặn, lần lượt là 43,3% và 13,6% trong khi hàm lượng trầm tích cát chiếm tỉ lệ cao (82,47%) tại bãi triều.
Như vậy, môi trường sống của sá sùng chủ yếu là bãi triều có hàm lượng cát cao. Hàm lượng OM, TOC, TN, giá trị δ13C và δ 15N lần lượt biến đổi trong khoảng từ 1,39 và 18,82%; 1,74 và 4,18%; 0,01 và 0,37%; -27,31 và -22,38‰; 0,15 và 8,18‰. Các nguồn thức ăn của sá sùng bao gồm lá cây ngập mặn, trầm tích, vi tảo bám đáy và thực vật phù du. Giá trị δ13C của sá sùng dao động trong khoảng từ -16,61 và -14,81‰ xấp xỉ giá trị δ13C của thực vật phù du (-22,21 δ 0,64‰) và vi tảo bám đáy bãi triều (-22,31 δ 0,1‰), chứng tỏ rằng nguồn gốc thức ăn của sá sùng chủ yếu từ thực vật phù du và vi tảo bám đáy bãi triều. Giá trị δ15N và bậc dinh dưỡng của sá sùng dao động trong khoảng từ 6,36 đến 9,85‰ và 1,72 đến 2,75. Sự biến đổi giá trị đồng vị bền theo kích thước chứng tỏ rằng sá sùng càng trưởng thành thì nguồn thức ăn càng phong phú và bậc dinh dưỡng càng tăng.
Từ những phát hiện trên thì việc nuôi sá sùng không còn khó, tuy nhiên cần có những đánh giá sâu hơn và tìm hiểu về đặc điểm sinh sản của chúng để có thể chủ động nuôi đối tượng này. Nuôi trồng sá sùng thành một nguồn lợi hải sản có giá trị kinh tế cao và có thể áp dụng ở nhiều địa phương có đại chất tương tự.