Nằm ở vùng ngoại ô của phố cổ Hội An, rừng dừa nước xã Cẩm Thanh với hệ sinh thái nước ngập mặn được biết đến với tên Bảy Mẫu do tiền nhân mang giống dừa nước từ miền Tây về trồng. Đến nay, diện tích dừa đã nhân lên gấp vài lần và là nơi tập trung của tôm, cua, cá nước lợ khi thủy triều lên.
Nghề săn cua được nhiều người dân địa phương chọn làm kế sinh nhai. Ngày trước, hầu hết người dân khu vực đều đi bắt cua để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Khi kinh tế khá lên, họ thôi không làm nữa, nhưng mỗi thôn vẫn còn trên dưới chục người theo nghề mưu sinh. Anh Thanh năm nay 34 nhưng đã có 20 năm trong nghề săn cua ở rừng dừa này.
Sắp bộ đồ nghề thô sơ với thuổng, một que sắt nhỏ bẻ cong phần đầu cùng chiếc xô nhỏ, anh Thanh dẫn vị khách lên chiếc ghe nhỏ chèo ra rừng dừa. Khua đều mái chèo vượt qua diện tích nước giữa rừng dừa, anh Thanh cho biết có nhiều cách để bắt cua. Gặp cua nha càng tím bám trên thân dừa nước thì tiến lại xục tay theo bẹ dừa để bắt. Buổi đêm dùng đèn đi soi, dễ dàng thấy cua nổi trên mặt nước và dùng vợt xúc đổ vào giỏ.
"Nhưng thợ bắt cua phải có kinh nghiệm sông nước, chèo sao không để mặt nước bị động, gợn sóng lớn là cua lặn khỏi mặt nước. Xúc được cua vào trong vợt thì phải bắt chúng từ phía sau để không bị cắn", anh Thanh nói và cho biết thợ phải có đôi mắt tinh tường để không bỏ qua mọi động tĩnh của loài cua.
Trời mưa, nước đục không đi soi cua ban đêm được, thợ săn phải đi dọc các gò đất tìm hang đào. Ảnh: Nguyễn Đông
Trời mưa, nước đục không soi buổi đêm được, cánh thợ săn đành đi bộ len lỏi trong rừng dừa để tìm hang cua ở. Dừng thuyền trước một khu đất nổi, anh Thanh xách thuổng đi lục lọi khắp các mô đất. Thấy một chiếc lỗ lớn có vết chân cua mới đào, anh thoăn thoắt dùng chiếc thuổng đào sâu chừng nửa mét, lấy chiếc gậy sắt móc vào thân cua kéo ra ngoài rồi bỏ vào xô.
"Nhìn thì đơn giản nhưng đã là thợ bắt cua thì phải biết đích thị lỗ nào có cua để đỡ tốn công đào. Việc đào hang cũng phải biết chừng, không đào phải thân cua đang nấp phía trong. Nếu cua bị dập, nhanh chết thì không bán được. Ngày trước cua nhiều, đi đào hang hay dùng mồi câu, thả vó nhỏ cũng kiếm ăn được, nhưng giờ người ta chủ yếu đi soi đêm hay bỏ lờ, gặp tôm, cua lớn bé đều bắt hết", anh Thanh nói.
Bà Lê Thị Phước, mẹ anh Thanh, là một trong những phụ nữ đầu tiên ở rừng dừa làm nghề săn cua, cho biết cua ở rừng dừa này thường là cua ta, cua riêu, cua nha, bìu rìu, tôm… Phổ biết nhất là cua ta bởi số lượng nhiều, thịt thơm ngon, dễ bán. Những loại coòng hay cáy người dân địa phương không bắt vì quá nhỏ.
Khó nhất là việc tìm hang, đào lỗ và dùng gậy sắt kéo cua ra ngoài. Ảnh: Nguyễn Đông
"Đà làm nghề săn cua thì phải thông thuộc địa hình để đi được nhiều nơi mà không sợ lạc đường. Ngày trước tôi hay đi bộ nhưng giờ gần 60 tuổi rồi nên chỉ chèo thuyền soi cua đêm. Tùy theo con nước, nhiều hôm đi bắt cua từ 1h đêm đến sáng mới về", bà nói.
Mùa săn cua của người dân nơi đây là mùa xuân và hè. Mùa đông sau khi lũ lụt, cua không sinh sản và thường tìm chỗ ẩn nấp, khó tìm. "Nhưng cũng tùy theo con nước, có khi mùa đông gặp nước vẫn bắt được kha khá", bà Phước nói. Nghề săn không quá nguy hiểm nhưng chuyện gặp rắn phải bỏ chạy hay bị cua cắn sưng tấy tay, hay nửa đêm soi cua bị cháy bóng đèn đành bỏ về là thường.
Sau buổi săn với "chiến lợi phẩm" gần một kg cua các loại, mẹ con bà Phước ngồi phân loại. "Cua ta lớn (2-3 lạng một con) thường để bán ở chợ với giá từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg. Cua ta loại nhỏ thì có người đến tận nhà mua về làm giống. Thu nhập vào vụ chính của nghề này bình quân 200 nghìn mỗi ngày", anh Thanh nói và cho biết cua ta thường dùng để nấu canh, luộc hay vào các nhà hàng ở Hội An, Đà Nẵng để chế biến thành món rang me, rang muối…
"Chiến lợi phẩm" có giá trị nhất với thợ săn cua là những con cua có càng lớn, bán được giá. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc công ty lữ hành Khoa Trần Hoi An Eco-tour, cho biết công ty đang mở các tour khám phá rừng dừa nước tại thôn 2 và thôn 7 xã Cẩm Thanh, kết hợp việc du khách chèo thuyền thúng tham quan và dùng cần nhỏ buộc mồi tôm, cá để câu cua. Câu cua lên bờ, khách lại thả về môi trường nước nên du khách rất thích thú.
Lo ngại việc nhiều người dân bắt cua theo hướng tận diệt, ông Khoa cho biết để sản phẩm du lịch được bền vững thì cần thiết có sự tham gia của cộng đồng, cụ thể là phải tạo sinh kế cho người dân địa phương bằng việc họ cùng chèo thuyền, hướng dẫn du khách câu cua.
"Chỉ khi những người làm nghề bắt cua có thu nhập ổn định mới hy vọng họ ngừng đánh bắt tận diệt, đảm bảo sự sinh sản của loài cua và giữ được hệ sinh thái của rừng dừa nước", ông Khoa nói.